Nhà Tù Hỏa Lò - Di Sản Anh Dũng Giữa Lòng Hà Nội

2024/10/18

ViệtNam-Disản

Công ty Kế toán AGS Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và cung cấp dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, Thuế, Tư vấn quản lý, chuyển đổi và tái cơ cấu doanh nghiệp.
Trong bài viết này công ty AGS sẽ chia sẻ về chủ đền nhà tù Hỏa Lò. Nhà tù Hỏa Lò, một trong những di tích lịch sử quan trọng của Hà Nội, không chỉ là nơi giam giữ những chiến sĩ cách mạng mà còn là chứng nhân cho những khổ đau và kiên cường của dân tộc Việt Nam trong suốt những giai đoạn lịch sử đầy biến động. Được xây dựng vào cuối thế kỷ 19, nhà tù từng là biểu tượng của sự đàn áp và bất công dưới chế độ thực dân Pháp. Tuy nhiên, nó cũng là nơi lưu giữ những câu chuyện về tinh thần đấu tranh, lòng dũng cảm và sự kiên trì của những người con yêu nước. Ngày nay, Hỏa Lò không chỉ thu hút du khách bởi giá trị lịch sử mà còn là nơi để mọi người tưởng nhớ và tri ân những thế hệ đã hy sinh vì độc lập tự do.
Cùng tìm hiểu kĩ hơn về chủ đề này qua bài viết dưới đây nhé.

1. Giới thiệu

Nhà tù Hỏa Lò được xây dựng vào năm 1896 bởi thực dân Pháp, nhằm giam giữ các chiến sĩ yêu nước và những người chống lại chế độ thực dân. Tọa lạc tại trung tâm Hà Nội, nhà tù có diện tích rộng lớn và thiết kế đặc biệt với các phòng giam chật chội, tối tăm, nơi mà nhiều tù nhân đã phải trải qua những điều kiện khắc nghiệt.

Trong suốt thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, nhà tù Hỏa Lò lại được biết đến như một nơi giam giữ phi công Mỹ. Đây cũng là nơi chứng kiến nhiều cuộc khởi nghĩa, phản kháng của các chiến sĩ cách mạng, thể hiện tinh thần kiên cường và bất khuất của dân tộc Việt Nam.
Ngày nay, Hỏa Lò được công nhận là di tích lịch sử quốc gia, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Di tích không chỉ là nơi ghi dấu những ký ức đau thương mà còn là biểu tượng cho tinh thần đấu tranh, khát vọng tự do của nhân dân Việt Nam. Việc tham quan nhà tù Hỏa Lò giúp mọi người hiểu rõ hơn về lịch sử và giá trị của tự do, độc lập.
Phần lớn diện tích Nhà tù được sử dụng để xây dựng tháp đôi Ha Noi tower vào năm 1994. Diện tích còn lại là 2.434m2 được bảo tồn thành khu di tích. Những công trình được giữ lại gồm: 3 tòa nhà 2 tầng được xây theo kiến trúc Pháp, 2 dãy trại giam tập thể nam và nữ tù nhân, 4 gian xà lim tử hình, 2 chòi canh và một phần bức tường đá bao quanh nhà tù.

2. Thông tin và phương tiện di chuyển đến

Giờ mở cửa
Hàng ngày, nhà tù Hỏa Lò sẽ mở cửa từ 8:00 đến 17:00. Đặc biệt vào các ngày thứ 6, thứ 7, Chủ nhật, nhà tù sẽ đóng cửa muộn hơn. Một số chương trình tham quan trải nghiệm được mở từ 19:00 – 19:45.
Giá vé
Hiện tại, giá vé tham quan là 30.000 đồng/ người lớn. Đối với người từ 60 tuổi trở lên, học sinh, sinh viên giá vé sẽ là 15.000 đồng.
Riêng với trẻ em dưới 15 tuổi, những người có công với cách mạng sẽ được miễn phí vé tham quan.
Phương tiện di chuyển 
Nhà tù Hỏa Lò thuộc địa phận ở số 1 phố Hỏa Lò, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Xuất phát từ công ty AGS, bạn có thể lựa chọn những phương tiện sau để đến.
Nếu bạn đi bằng xe máy, bạn có thể làm theo lộ trình sau:
  • Xuất phát từ AGS: Đi theo đường lớn ra Trần Duy Hưng. 
  • Rẽ vào đường Trần Thái Tông: Hướng về cầu Cừ Lò.
  • Tiếp tục đi vào phố Đê La Thành: Hướng về phía trung tâm Hà Nội. 
  • Rẽ vào đường Giải Phóng: Đi thẳng cho đến khi gặp đường Nguyễn Công Trứ.
  • Rẽ trái vào đường Trần Quốc Toản: Đi thẳng cho đến khi thấy biển chỉ dẫn đến nhà tù Hỏa Lò.
Đi bộ đến điểm dừng xe buýt gần nhất
Xuất phát từ AGS Hà Nội, bạn có thể đi bộ đến điểm dừng xe buýt trên đường Trần Hưng Đạo hoặc Lê Duẩn
  • Tuyến 01: Xuất phát từ bến xe Lương Yên đến bến xe Giáp Bát, có dừng tại điểm gần nhà tù Hỏa Lò.
  • Tuyến 02: Tương tự, tuyến này cũng có lộ trình qua khu vực gần nhà tù Hỏa Lò. Xuống tại điểm dừng gần nhà tù Hỏa Lò, đi bộ khoảng 5-10 phút để đến nhà tù.

3. Lịch sử hình thành và kiến trúc độc đáo của Nhà Tù Hỏa Lò

Vùng đất xây dựng Nhà tù xưa thuộc làng Phụ Khánh, tổng Vĩnh Xương, huyện Thọ Xương, Hà Nội. Phụ Khánh là một làng nghề thủ công nổi tiếng của đất Hà Thành, nơi chuyên làm các loại siêu, ấm đất và bếp lò bằng đất nung để đem bán khắp kinh kỳ, vì vậy làng có tên là Hỏa Lò.
Để có đất xây dựng, thực dân Pháp đã di chuyển 48 hộ dân tới làng Phụ Khánh thuộc khu vực phố Thể Giao, quận Hai Bà Trưng ngày nay. Cùng với đó là tháo dỡ, di chuyển đình Làng Phụ Khánh, chùa Lưu Ly, chùa Chân Tiên. Từ đó, địa danh Hỏa Lò nổi tiếng là nơi giam cầm, hành hạ về thể xác và tinh thần của hàng ngàn chiến sỹ cách mạng Việt Nam.
Bản đồ làng Phụ Khánh
Được khởi công xây dựng vào năm 1896 bởi thực dân Pháp, Nhà tù có tên là “Maison Centrale” (Nhà tù Trung ương). Đây là một trong những nhà tù kiên cố và lớn bậc nhất Đông Dương. Nhà tù Hỏa Lò nằm ở trung tâm Hà Nội, liền kề với Tòa án, phía Tây giáp phố Richaud (nay là phố Quán Sứ), phía Nam giáp phố Teinturiers (nay là phố Thợ Nhuộm), phía Bắc giáp đường Rollande Prolonge (nay là phố Hai Bà Trưng). Tổng diện tích Nhà tù và những con đường lân cận dẫn đến nhà tù là 12.908m2, ước tính chi phí xây dựng toàn bộ là 1.212.434 đồng Đông Dương.
Nhà tù được thực dân Pháp đặc biệt chú trọng trong việc xây dựng, đặc biệt là nguyên liệu. Tất cả thiết bị, phụ kiện đều được phải nhập từ Pháp và được kiến trúc sư chấp nhận. Từ đó mà thực dân Pháp cho rằng Nhà tù này “Nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Sau 3 năm xây dựng, mặc dù nhiều hạng mục công trình còn chưa hoàn thiện nhưng nhiều người yêu nước Việt Nam đã bị thực dân Pháp bắt.
Các phòng giam tại Nhà tù Hỏa Lò được thiết kế cùng một kiểu: mái lợp ngói, tường gạch kiên cố, quét vôi xám và hắc ín; các xà lim chỉ có một vài ô cửa nhỏ được mở sát mái, làm cho các phòng giam trở nên càng tối tăm và ngột ngạt. Bao quanh nhà tù là một bức tường đá hộc được xây kiên cố (cao 4,3m và 5,4m, dày 0,5m), trên đó cắm đầy những mảnh chai sắc nhọn nhằm ngăn tù nhân vượt ngục. Một đường tuần tra dọc hành lang rộng hơn 2m ngăn cách giữa bức tường bảo vệ nhà tù. Bốn góc nhà tù là bốn chòi canh gác để lính gác có thể quan sát toàn bộ hoạt động cả phía trong và ngoài nhà tù.
Sơ đồ nhà tù Hoả Lò 

4. Các chế độ giam giữ, thủ đoạn áp chế tù nhân

4.1 Cánh cửa Nhà tù

Với biệt danh là “Địa ngục trần gian”, nhà tù là nơi thực dân Pháp dung nhiều thủ đoạn tàn ác đối với tù nhân. Chỉ cần bước chân qua cánh của gỗ lim nặng 1,6 tấn là sẽ nhận những cú tát trời giáng, bị gọng cùm, đánh đập trong các phòng biệt giam.
Cánh cửa gỗ lim
Những giám ngục cai quản nhà tù đều cáo già và đầy thâm niên trong ngành; hệ thống cai đội phía dưới hung tợn cùng với một chế độ giam giữ cực kì hà khắc, biến nơi đây thực sự là một nơi đã vào thì không thể ra.
Tù nhân sẽ được phát hai bộ quần áo tù, một bộ dài tay và một bộ cộc tay có in chữ MC – viết tắt của Maison Centrale, mùa đông được phát thêm một bộ chăn chiên Nam Định.
Bộ quần áo tù nhân có in chữ MC

4.2 Trại giam D – Nơi giam giữ tù nhân chính trị

Trại giam D là một trong những trại giam lớn nhất tại đây. Nằm sau cánh cửa bước vào nhà tù. Trại lợp ngói, không có trần, tường xây kiên cố và sơn hắc ín, tạo một cảm giác thật lạnh lẽo. Theo thiết kế, trại chỉ giam giữ tối đa 40 người, nhưng có những thời gian trại giam gần 100 người. Cái nóng ngột ngạt làm cho tù nhân trở nên bí bách hơn bao giờ hết. Vào mùa hè, những người yếu hơn sẽ được ưu tiên nằm gần phía cửa ra vào để thở. Còn vào mùa đông lạnh lẽo, do không có áo ấm, tù nhân phải nằm úp thìa để đỡ rét hơn.
Trong buồng giam sẽ có hệ thống cùm chân người tù trên hai dãy sàn gỗ lim. Giữa phòng là nhà vệ sinh lộ thiên, có thời gian chúng không cho lao công quét dọn dẫn tới sự ô nhiễm nặng nề. Thời điểm năm 1917, số lượng tù nhân vượt quá ngưỡng thiết kế, ngót một nửa tù nhân phải nằm dưới sàn nhà.

4.3 Khu Cachot – Ngục tối

Phía sau trại giam D chính là đường dẫn tới khu Cachot. Đây là nơi trừng phạt những tù nhân bị quy tội vi phạm điều lệ nhà tù hoặc có hành vi chống đối.
Phòng giam Cachot rất tối tăm, ngột ngạt, chật hẹp, thiếu dưỡng khí. Họ sẽ bị cùm chân cả ngày đêm, bị đánh đập, phạt ăn cơm nhạt hoặc bị bỏ đói, vệ sinh tại chỗ, thời điểm mùa đông bị cai ngục hắt nước lạnh vào người. Ngoài ra, sàn xi măng được thiết kế dốc ngược để tù nhân khi nằm đầu sẽ thấp hơn chân khiến cho máu dồn lên đầu. Nhiều tù nhân bị giam tại đây khi ra khỏi ngục đều không thể nhìn rõ, mắt mù lòa, chân lê lết, toàn thân ghẻ lở, phù nề.
Hình ảnh người chiến sĩ yêu nước bị giam trong một căn phòng của khu Cachot, khu này để giam những chiến sĩ đấu tranh, vượt ngục, tuyên truyền cách mạng…

4.4 Khu xà lim tử hình – Máy chém

Phía góc Tây Nam của nhà tù, thực dân Pháp cho xây dựng khu xà lim 1 để giam giữ tù nhân bị kết án tử hình. Điều kiện giam giữ ở đây không khác gì khi bị giam trong khu Cachot. Cửa chỉ mở 2 lần một ngày khi đưa cơm cho tù nhân.
Theo quy định, tử tù sẽ bị giam tại đây 10 tháng, sau đó nếu được xử lại có thể được giảm án xuống chung thân. Nhưng nhiều người đã bị tử hình chỉ sau 2 -3 ngày bị đày vào đây.
Tội ác dã man nhất của thực dân Pháp tại đây là hình thức xử tử bằng máy chém. Hiện nay chiếc máy chém đang được trưng bày tại Di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò. Đây là công cụ mà thực dân Pháp coi là nhân đạo hơn so với hình thức xử tử thời Trung cổ.

4.5 Chế độ ăn uống của tù nhân

Theo điều lệ của nhà tù, những phần ăn ở đây phải đảm bảo tiêu chuẩn. Tuy nhiên, cai ngục thông đồng với chủ thầu cắt xén khẩu phần ăn. Chúng cho tù nhân ăn những loại thực phẩm kém chất lượng, hết hạn sử dụng. Gạo hẩm, thóc sạn, cá khô vụn lẫn cá ươn, thịt bạt nhạc, rau già…
Khẩu phần ăn được đụng trong máng gỗ gọi là “lập là”. Cai ngục không cho dùng bát, đũa vì sợ tù nhân dùng làm vũ khí. Từ đó, những tù nhân đã tạo ra những chiếc bát làm bằng vỏ quả dừa khô, đũa làm từ cành bàng…
Chế độ ăn thiếu chất, mất vệ sinh đã dẫn tới nhiều tù nhân bị mắc các bệnh như kiết lỵ, sốt rét…Chỉ trong một năm 1920-1921 đã có tới 87 người tử vong.

4.6 Phi công Mỹ trong Nhà tù Hỏa Lò

Trong thời gian Mỹ ném bom, bắn phá miền Bắc, đất nước còn đang gặp rất nhiều khó khăn, chính phủ Việt Nam vẫn đối xử nhân đạo, tạo điều kiện tốt nhất cho phi công Mỹ bị bắt sinh hoạt tại nhà tù. Tại đây, mỗi phi công đều được cấp phát đầy đủ đồ dùng cũng như được chữa trị vết thương, khám chữa bệnh chăm sóc hàng ngày.
Những vật dụng phi công Mỹ sử dụng
Trong trại giam, các phi công vẫn được tham gia hoạt động văn hóa: chơi thể thao, nghe tin tức qua đài, xem phim…Cùng với đó là vẫn được đón lễ Giáng sinh, lễ Tạ ơn và được tự chuẩn bị bữa ăn.
Ngày 27/1/1973, sau khi hiệp định Paris được ký kết, Việt Nam đã trao trả toàn bộ phi công Mỹ bị bắt.

5. Những hoạt động đặc biệt tại nhà tù Hỏa Lò

Nhà Tù Hỏa Lò cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động sinh hoạt, trưng bày các tác phẩm, nhằm mục tiêu hướng đến khách du lịch tham quan có thể chiêm ngưỡng được các tác phẩm nghệ thuật nối liền với địa điểm đó.
Tại Di tích còn có Đài tưởng niệm các chiến sĩ yêu nước đã hi sinh. Với nghệ thuật thẩm mỹ cao, khắc lõm đá vào hình tượng những người tù, Đài tưởng niệm được đánh giá là một trong những tượng đài đẹp nhất Việt Nam.
Đài tưởng niệm

Nhà tù Hỏa Lò không chỉ là một di tích lịch sử, mà còn là biểu tượng cho tinh thần kiên cường và lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam. Khi đặt chân đến đây, chúng ta không chỉ được nghe những câu chuyện về những năm tháng khó khăn mà còn cảm nhận được sức mạnh của ý chí và nghị lực vượt qua mọi thử thách. Việc tìm hiểu về Hỏa Lò giúp chúng ta trân trọng hơn những giá trị tự do và độc lập mà ngày nay chúng ta đang sống. Hãy để nhà tù Hỏa Lò là một điểm dừng chân trong hành trình khám phá lịch sử, để mỗi chúng ta cùng góp phần gìn giữ và truyền bá những ký ức quý giá của dân tộc.

Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc bài viết này. Hy vọng bạn đã có được những thông tin bổ ích. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều thông tin cũng như cơ hội việc làm tại AGS nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Nguồn: https://www.traveloka.com/vi-vn/explore/destination/gns-nha-tu-hoa-lo/183412

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ