Hướng dẫn viết ký hiệu hóa đơn điện tử chuẩn Thông tư 78

2024/11/19

ThuếHoànthuế

Công ty Kế toán AGS Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và cung cấp dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, Thuế, Tư vấn quản lý, chuyển đổi và tái cơ cấu doanh nghiệp.Trong bài viết này công ty AGS sẽ chia sẻ về chủ đề "Hướng dẫn viết ký hiệu hóa đơn điện tử chuẩn Thông tư 78" . Bài viết dành cho các kế toán viên đang phụ trách về phần hóa đơn. AGS muốn chia sẻ về chủ đề này bởi vì hóa đơn là một loại chứng từ quan trong trong kế toán.Cùng tìm hiểu kĩ hơn về chủ đề này qua bài viết dưới đây nhé.

1. Hướng dẫn viết ký hiệu hóa đơn điện tử năm 2024 chuẩn Thông tư 78

Hướng dẫn viết ký hiệu hóa đơn điện tử năm 2024 được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Thông tư 78/2021/TT-BTC như sau:

Ký hiệu hóa đơn điện tử là nhóm 6 ký tự gồm cả chữ viết và chữ số thể hiện ký hiệu hóa đơn điện tử để phản ánh các thông tin về loại hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không mã, năm lập hóa đơn, loại hóa đơn điện tử được sử dụng. Sáu (06) ký tự này được quy định như sau:
  • Ký tự đầu tiên là một (01) chữ cái được quy định là C hoặc K như sau: C thể hiện hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, K thể hiện hóa đơn điện tử không có mã;
  • Hai ký tự tiếp theo là hai (02) chữ số Ả rập thể hiện năm lập hóa đơn điện tử được xác định theo 2 chữ số cuối của năm dương lịch. Ví dụ: Năm lập hóa đơn điện tử là năm 2022 thì thể hiện là số 22; năm lập hóa đơn điện tử là năm 2023 thì thể hiện là số 23;
  • Một ký tự tiếp theo là một (01) chữ cái được quy định là T, D, L, M, N, B, G, H thể hiện loại hóa đơn điện tử được sử dụng, cụ thể:
    • Chữ T: Áp dụng đối với hóa đơn điện tử do các doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng với cơ quan thuế;
    • Chữ D: Áp dụng đối với hóa đơn bán tài sản công và hóa đơn bán hàng dự trữ quốc gia hoặc hóa đơn điện tử đặc thù không nhất thiết phải có một số tiêu thức do các doanh nghiệp, tổ chức đăng ký sử dụng;
    • Chữ L: Áp dụng đối với hóa đơn điện tử của cơ quan thuế cấp theo từng lần phát sinh;
    • Chữ M: Áp dụng đối với hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền;
    • Chữ N: Áp dụng đối với phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ điện tử;
    • Chữ B: Áp dụng đối với phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý điện tử;
    • Chữ G: Áp dụng đối với tem, vé, thẻ điện tử là hóa đơn giá trị gia tăng;
    • Chữ H: Áp dụng đối với tem, vé, thẻ điện tử là hóa đơn bán hàng.
  • Hai ký tự cuối là chữ viết do người bán tự xác định căn cứ theo nhu cầu quản lý. Trường hợp người bán sử dụng nhiều mẫu hóa đơn điện tử trong cùng một loại hóa đơn thì sử dụng hai ký tự cuối nêu trên để phân biệt các mẫu hóa đơn khác nhau trong cùng một loại hóa đơn. Trường hợp không có nhu cầu quản lý thì để là YY;
  • Tại bản thể hiện, ký hiệu hóa đơn điện tử và ký hiệu mẫu số hóa đơn điện tử được thể hiện ở phía trên bên phải của hóa đơn (hoặc ở vị trí dễ nhận biết).

2. Ý nghĩa ký hiệu mẫu số hóa đơn điện tử chuẩn Thông tư 78

Ý nghĩa ký hiệu mẫu số hóa đơn điện tử được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Thông tư 78/2021/TT-BTC như sau:
Ký hiệu mẫu số hóa đơn điện tử là ký tự có một chữ số tự nhiên là các số tự nhiên 1, 2, 3, 4, 5, 6 để phản ánh loại hóa đơn điện tử như sau:
  • Số 1: Phản ánh loại hóa đơn điện tử giá trị gia tăng;
  • Số 2: Phản ánh loại hóa đơn điện tử bán hàng;
  • Số 3: Phản ánh loại hóa đơn điện tử bán tài sản công;
  • Số 4: Phản ánh loại hóa đơn điện tử bán hàng dự trữ quốc gia;
  • Số 5: Phản ánh các loại hóa đơn điện tử khác là tem điện tử, vé điện tử, thẻ điện tử, phiếu thu điện tử hoặc các chứng từ điện tử có tên gọi khác nhưng có nội dung của hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP;
  • Số 6: Phản ánh các chứng từ điện tử được sử dụng và quản lý như hóa đơn gồm phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ điện tử, phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý điện tử.

3. Hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ bao gồm những hành vi nào

Hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ được quy định tại Điều 5 Nghị định 123/2020/NĐ-CP như sau:

a) Đối với công chức thuế

  • Gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức, cá nhân đến mua hóa đơn, chứng từ;
  • Có hành vi bao che, thông đồng cho tổ chức, cá nhân để sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp;
  • Nhận hối lộ khi thanh tra, kiểm tra về hóa đơn.

b) Đối với tổ chức, cá nhân bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan

  • Thực hiện hành vi gian dối như sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn;
  • Cản trở công chức thuế thi hành công vụ, cụ thể các hành vi cản trở gây tổn hại sức khỏe, nhân phẩm của công chức thuế khi đang thanh tra, kiểm tra về hóa đơn, chứng từ;
  • Truy cập trái phép, làm sai lệch, phá hủy hệ thống thông tin về hóa đơn, chứng từ;
  • Đưa hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác liên quan hóa đơn, chứng từ nhằm mưu lợi bất chính.
Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc bài viết này. Hy vọng bạn đã có được những thông tin bổ ích. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều thông tin cũng như cơ hội việc làm tại AGS nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/phap-luat/huong-dan-viet-ky-hieu-hoa-don-dien-tu-chuan-thong-tu-78-y-nghia-ky-hieu-mau-so-hoa-don-dien-tu-870379-183218.html

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ