10 điểm mới của Luật sửa đổi 9 Luật 2024 về thuế, kế toán (phần 1)

2024/12/25

ThuếGTGT

Công ty Kế toán AGS Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và cung cấp dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, Thuế, Tư vấn quản lý, chuyển đổi và tái cơ cấu doanh nghiệp.
Trong bài viết này công ty AGS sẽ chia sẻ về chủ đề 10 điểm mới của Luật sửa đổi 9 Luật 2024 về thuế, kế toán. Bài viết dành cho các kế toán, kiểm toán đang muốn tìm hiểu thêm về thuế. AGS muốn chia sẽ về chủ đề này bởi vì các loại thuế này rất quan trọng đối với kế, kiểm.
Cùng tìm hiểu kĩ hơn về chủ đề này qua bài viết dưới đây nhé.

1. Bãi bỏ một nội dung bắt buộc trên chứng từ kế toán

Khoản 9 Điều 2 Luật sửa đổi 9 Luật, số 56/2024/QH15, từ ngày 01/01/2025, chứng từ kế toán không bắt buộc phải có nội dung tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân nhận chứng từ kế toán.
Cụ thể, khoản 9 Điều 2 Luật sửa đổi 9 Luật quy định: Bãi bỏ điểm d khoản 1 Điều 16 của Luật Kế toán năm 2015.
Đối chiếu với khoản 1 Điều 16 Luật Kế toán 2015, chứng từ kế toán phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
  • Tên và số hiệu của chứng từ kế toán;
  • Ngày, tháng, năm lập chứng từ kế toán;
  • Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân lập chứng từ kế toán;
  • Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân nhận chứng từ kế toán;
  • Nội dung nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh;
  • Số lượng, đơn giá và số tiền của nghiệp vụ kinh tế, tài chính ghi bằng số; tổng số tiền của chứng từ kế toán dùng để thu, chi tiền ghi bằng số và bằng chữ;
  • Chữ ký, họ và tên của người lập, người duyệt và những người có liên quan đến chứng từ kế toán.
Ngoài những nội dung trên, chứng từ kế toán có thể có thêm những nội dung khác theo từng loại chứng từ.
Theo đó, từ ngày 01/01/2025, không yêu cầu tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân nhận chứng từ kế toán là nội dung phải có trên chứng từ kế toán nữa. Tùy thuộc vào nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh, doanh nghiệp vẫn có thể lập nội dung này trên chứng từ kế toán.

2. Chỉ phải dịch tài liệu kế toán ra tiếng Việt khi cơ quan nhà nước yêu cầu

Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi 9 Luật quy định như sau:

1. Chữ viết sử dụng trong kế toán là tiếng Việt. Trường hợp phải sử dụng tiếng nước ngoài trên báo cáo tài chính tại Việt Nam thì phải sử dụng đồng thời tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Tài liệu kế toán bằng tiếng nước ngoài phải dịch ra tiếng Việt khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

Hiện nay, khoản 1 Điều 11 Luật Kế toán năm 2015 quy định, trường hợp phải sử dụng tiếng nước ngoài trên chứng từ kế toán, sổ kế toán và báo cáo tài chính tại Việt Nam thì phải sử dụng đồng thời tiếng Việt và tiếng nước ngoài.
Đồng thời, khoản 5 Điều 5 Nghị định 174/2016/NĐ-CP hướng dẫn như sau: Các chứng từ kế toán ghi bằng tiếng nước ngoài khi sử dụng để ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính ở Việt Nam phải được dịch các nội dung chủ yếu ra tiếng Việt.
Tức là, các chứng từ kế toán, sổ kế toán và báo cáo tài chính đều phải được dịch ra tiếng Việt và chỉ có các tài liệu kèm theo chứng từ kế toán như các loại hợp đồng, hồ sơ kèm theo chứng từ thanh toán, hồ sơ dự án đầu tư, báo cáo quyết toán và các tài liệu liên quan khác của đơn vị kế toán là không bắt buộc phải dịch ra tiếng Việt trừ khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tuy nhiên, theo quy định mới, ngoại trừ báo cáo tài chính mọi tài liệu kế toán khác chỉ phải dịch ra tiếng Việt khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

3. Điều chỉnh quy định về kỳ kế toán

Luật mới sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 4 Điều 12 Luật Kế toán năm 2015 như sau:

4. Trường hợp kỳ kế toán năm đầu tiên hoặc kỳ kế toán năm cuối cùng có thời gian không quá 03 kỳ kế toán tháng liên tiếp thì được phép cộng với kỳ kế toán năm tiếp theo hoặc cộng với kỳ kế toán năm trước đó để tính thành một kỳ kế toán năm; kỳ kế toán năm đầu tiên hoặc kỳ kế toán năm cuối cùng phải không quá 15 tháng.

Hiện nay, Luật Kế toán năm 2015 quy định kỳ kế toán năm đầu tiên hoặc cuối cùng phải không quá 90 ngày. Quy định này dẫn đến phát sinh vướng mắc đối với trường hợp quý II và quý III kéo dài 92 ngày, các đơn vị vẫn phải lập báo cáo tài chính nếu kỳ đầu tiên hoặc kỳ cuối cùng rơi vào quý II và quý III.
Theo đó, quy định mới được sửa đổi nhằm thống nhất cách xác định kỳ kế toán, cho phép gộp kỳ kế toán nếu kỳ đầu tiên hoặc cuối cùng không quá 03 kỳ kế toán tháng liên tiếp.

4. Bổ sung thêm phương thức xác nhận chứng từ điện tử ngoài chữ ký điện tử

Luật Kế toán 2015 chỉ công nhận chữ ký điện tử trên chứng từ điện tử. Luật sửa đổi 9 Luật bổ sung thêm quy định có thể xác nhận chứng từ điện tử qua các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Quy định này được sửa đổi nhằm phù hợp với quy định tại Luật Giao dịch điện tử 2023 cho phép sử dụng các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử để thể hiện sự chấp thuận của chủ thể ký đối với thông điệp dữ liệu mà không phải là chữ ký điện tử (như xác thực sinh trắc học, OTP…).

5. Sàn thương mại điện tử nước ngoài đều phải đăng ký, khai thuế tại Việt Nam

Nhà cung cấp ở nước ngoài thực hiện hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính (điểm a khoản 5 Điều 6 Luật số 56/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 42 Luật Quản lý thuế năm 2019).
Theo đó, nhà cung cấp ở nước ngoài khi thực hiện hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác tại Việt Nam không phân biệt có hay không có cơ sở thường trú tại Việt Nam đều phải kê khai, nộp thuế theo quy định.
Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc bài viết này. Hy vọng bạn đã có được những thông tin bổ ích. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều thông tin cũng như cơ hội việc làm tại AGS nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Nguồn: https://luatvietnam.vn/thue-phi-le-phi/diem-moi-cua-luat-sua-doi-9-luat-2024-565-100412-article.html

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ