Công ty TNHH Kế toán - Kiểm toán AGS nằm trong hàng đầu những đơn vị chuyên
cung cấp các dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, và tư vấn thuế tài chính. Cùng với
chất lượng dịch vụ tốt và uy tín, Công ty đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành
nghề, để phục vụ công việc thì các kiến thức liên quan đến ngành nghề là điều
vô cùng cần thiết cho mỗi cá nhân trong tập thể. Hôm nay Công ty AGS sẽ giới
thiệu đến các bạn một di sản văn hóa phi vật thể đó chính là lễ cúng rừng (Mo
đổng trư) của người Nùng, một trong những di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam
được lưu truyền và bảo tồn qua nhiều thế hệ dân tộc, nay chúng ta hãy cùng
nhau tìm hiểu những giá trị cốt lõi và vẻ đẹp của di sản văn hóa của Việt
Nam.
Lễ cúng rừng (Mo Đổng trư) của người Nùng ở Hoàng Su Phì được công nhận là di
sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia năm 2016. Lễ cúng rừng hàng năm được tổ
chức lớn nhất diễn ra tại các xã Pố Lồ, Pờ Ly Ngài, Sán Xả Hồ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có nhiều dân tộc còn duy trì lễ cúng
rừng, như: dân tộc Nùng, dân tộc Pu Péo, dân tộc Dao, dân tộc La Chí, dân tộc
Mông… trong đó phải kể đến Lễ cúng rừng của đồng bào dân tộc Nùng ở Hoàng Su
Phì. Theo hồ sơ đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn
hóa phi vật thể Quốc gia năm 2016, Lễ cúng rừng của dân tộc Nùng huyện Hoàng
Su Phì được duy trì từ lâu đời, xuất phát từ truyền thuyết của người Nùng và
các câu truyện kể rằng: Xưa kia các họ tộc người Nùng ở Hoàng Su Phì sống yên
bình tại các sườn núi. Một hôm vua phương Bắc sai quân đến xâm lược nhằm chiếm
đất đai của cải, sau nhiều ngày giao chiến với kẻ thù, các tộc người Nùng bị
thua trận nên phải mang theo của cải, lợn gà và trâu bò rút vào các khu rừng
rậm để bảo toàn lực lượng.
Do bị quân địch vây hãm nhiều ngày nên thiếu nước uống, khiến cho nhiều người
và gia súc bị chết, đúng lúc này thủ lĩnh của người Nùng là Hoàng Vần Thùng,
do chiến đấu quả cảm với quân địch bị thương và lâm bệnh mà chết, để tỏ lòng
thương tiếc, các trai tráng giết thịt trâu lấy thịt, lấy tiết trâu thay nước
nấu cơm làm đồ cúng tế và cầu xin Hạn Hung tức vua trời giúp đỡ phù hộ. Xúc
động trước tinh thần đoàn kết đấu tranh của các tộc người Nùng, Hạn Hung đã cử
quân xuống giúp dân trừ giặc đem lại cuộc sống yên bình cho dân chúng tại đây.
Để tưởng nhớ người thủ lĩnh đã có công giúp dân có công giúp dân chống giặc,
các tộc họ người Nùng đã dành những khu rừng già tươi tốt, có vị trí đẹp là
nơi linh thiêng để lập miếu thờ và tôn ông làm Đổng Trứ (tức là Thần rừng). Từ
đó cứ vào dịp tháng 2 và tháng 7 hàng năm các làng của người Nùng thuộc các xã
trong huyện Hoàng Su Phì lại tổ chức lễ cúng Hoàng Vần Thùng tại miếu thờ vì
đã có công hy sinh cứu giúp dân làng. Trải qua nhiều năm tháng tục lệ này vẫn
được duy trì cho đến ngày nay tại các thôn bản nhằm tưởng nhớ tổ tiên, cầu cho
làng bản, gia đình ấm no hạnh phúc, mùa màng bội thu, đồng thời ôn lại cho lớp
cháu con lịch sử văn hoá truyền thống của dân tộc mình.
Theo truyền thuyết, người Nùng ở các xã Pố Lồ, Sán Xả Hồ, Pờ Ly Ngài (huyện
Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) được mổ trâu để cúng vì họ cho rằng đây là những
nơi trước kia người dân đã mổ trâu để làm cơm ăn trưa thết đãi quân của Hạn
Hung, các xã còn lại chỉ được mổ lợn hoặc mổ gà vì làm cơm sáng để thết đãi.
Tuy nhiên trong các xã trên thì xã Pố Lồ là tổ chức lễ cúng lớn nhất với sự
tham gia của các hộ gia đình dân tộc Nùng sinh sống ở các thôn trong xã và các
thôn thuộc xã Thèn Chu Phìn và thị trấn Vinh Quang, do trước đây các thôn này
được tách ra từ xã Pố Lồ nên hiện nay vẫn thực hiện theo quy định trên. Tại 3
xã trên, sau khi tổ chức cúng tại các thôn thì tiếp tục tổ chức quy mô cấp xã.
Ông Lù Sính Vần, thôn Cóc Sọc, xã Pố Lồ, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) năm nay
77 tuổi cho biết, để chuẩn bị cho lễ cúng thần rừng, theo tục lệ đã tồn tại
trong cộng đồng người Nùng nơi đây, cứ ba năm làm lễ chính sẽ mổ trâu, lợn,
gà, còn lại các năm thường thì chỉ mổ lợn và gà. Lễ cúng thần rừng được quy
định luân phiên mỗi năm một thôn phải góp 4 con gà sống, rượu và một con lợn
đen 50 kg để mổ làm lễ cúng, ngoài ra còn có thêm hương, tiền bạc được làm từ
giấy rơm hoặc giấy dó. Nếu năm nào làm lễ chính mổ trâu thì toàn thể các gia
đình trong xã phải góp tiền vào để mua trâu. “Trâu dùng để cúng phải đảm bảo
các yếu tố không được non quá sẽ hao thịt, không được già quá ăn sẽ dai, trâu
phải béo tốt được khoảng 3 tuổi là tốt nhất” – ông Vần chia sẻ.
Vào buổi sáng sớm trong ngày diễn ra lễ cúng, mỗi hộ gia đình trong toàn xã
thường là một người nam giới đại diện, mang theo đồ lễ đến khu rừng cấm bao
gồm: Rượu một lít, giấy bản một sấp, hương một bó, ngoài ra mang theo một con
dao để phục vụ việc làm bếp và một chiếc chén, một chiếc bát, một đôi đũa. Bốn
chiếc nồi lớn dùng để nấu sẽ được mang đến theo sự phân công của trưởng bản,
những người mang nồi này sẽ được thôn trả thóc sau mỗi vụ.
Theo ông Tải Sèo Lìn, sinh năm 1964, dân tộc Nùng, thôn Pố Lồ, xã Pố Lồ, huyện
Hoàng Su Phì, trước khi tiến hành nghi lễ, các phụ lễ quét dọn và sửa soạn đồ
lễ, riêng giấy dó được phụ lễ gấp thành các thoi bạc và 12 chiếc thuyền. “Theo
quan niệm của người Nùng khi con người mất đi về với tổ tiên, người chết ở thế
giới bên kia cũng cần có tiền bạc để tiêu, có các con vật để nuôi nên phải gấp
tiền, cúng các con vật như trâu, gà, lợn là vì lẽ đó” - Ông Lìn cho biết.
Một nguyên tắc bất thành văn đó là chỉ có nam giới mới được tham dự và trong
quá trình tổ chức nghi lễ thì tất cả mọi người đều không được nói tục chửi bậy
hoặc đi vệ sinh tùy tiện. Người chịu trách nhiệm chính trong lễ tế là thầy
cúng, thầy cúng phải là người am hiểu phong tục, tập quán của địa phương và
được dân làng kính trọng, tín nhiệm.
Lễ cúng thần rừng của các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì là
một hoạt động văn hóa mang tính tâm linh quan trọng, thể hiện ý thức tôn
trọng, lòng biết ơn thần linh, trời đất, tổ tiên và hướng về cội nguồn. Lễ
thức cúng rừng mang đậm nét văn hóa canh tác nương rẫy, thể hiện mong muốn
được phù hộ che chở cho mùa màng, gia súc gia cầm luôn được phát triển tốt
tươi không bị thiên tai dịch bệnh, sâu bọ phá hoại. Đây cũng là dịp để các hộ
gia đình giao lưu trao đổi tâm tư, tình cảm, từ đó tăng cường và củng cố tinh
thần đoàn kết cộng đồng, xóm giềng, làng xã trong nhân dân.
Lễ cúng rừng cũng là một trong những nét đẹp trong lĩng vực bảo vệ tài nguyên
môi trường. Theo quy định của các thôn bản có rừng cấm thì mọi tổ chức, cá
nhân trong cộng đồng phải có trách nhiệm tôn tạo, phát triển các khu rừng cấm,
nếu những người nào vi phạm sẽ bị phạt theo quy định của pháp luật và quy ước
của thôn. Chính phong tục này cùng với sự quản lý có hiệu quả của cộng đồng,
từ đó khuyến khích người dân bảo vệ rừng, sống hòa hợp với thiên nhiên. Vì
vậy, mà khu rừng cấm của cộng đồng đến nay vẫn được bảo vệ tốt. Trong đó có
nhiều khu rừng đã giữ được những cây cổ thụ nhiều năm tuổi và nhiều loại thảo
dược quý, phục vụ cuộc sống của con người. Nhất là tại các xã Pố Lồ, Nam Sơn,
Hồ Thầu, Pờ Ly Ngài của huyện Hoàng Su Phì. Hiện nay, việc phát triển du lịch
đang có xu hướng khai thác các tài nguyên du lịch về văn hóa, nhất là du lịch
trải nghiệm, du lịch tâm linh. Vì vậy việc duy trì lễ thức cúng rừng là một
trong những sản phẩm du lịch có khả năng thu hút mạnh mẽ đối với khách du lịch
đến huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang), đồng thời góp phần khắc phục tình trạng du
lịch mùa vụ như hiện nay.
Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết của chúng tôi. Hi vọng
bài viết có thể cung cấp cho bạn sẽ có những thông tin bổ ích trong cuộc sống
và công việc, và mở ra cho các bạn thêm những góc nhìn mới hơn về các vấn đề
trong ngành nghề cũng như là các giá trị văn hóa của hai dân tộc Việt Nam -
Nhật Bản. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi đễ có thêm những thông tin bổ ích
khác và cơ hội việc làm cực hấp dẫn tại Công ty AGS nữa nhé.
Thông tin khác
Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn
Thông tin tuyển dụng và Hướng dẫn
AGS luôn mở rộng cánh cửa cho những ứng viên muốn thử thách bản thân trong lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán - Ngôn ngữ Nhật - Pháp lý - Nhân sự. Xem chi tiết bài viết để biết thêm về Thông tin tuyển dụng tại AGS bạn nhé!
AGS luôn mở rộng cánh cửa cho những ứng viên muốn thử thách bản thân trong lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán - Ngôn ngữ Nhật - Pháp lý - Nhân sự. Xem chi tiết bài viết để biết thêm về Thông tin tuyển dụng tại AGS bạn nhé!
Tổng hợp