Tìm hiểu tỉnh Thừa Thiên Huế

2024/12/05

ViệtNam-Tỉnhthành

Công ty TNHH Kế toán - Kiểm toán AGS nằm trong hàng đầu những đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, và tư vấn thuế tài chính. Cùng với chất lượng dịch vụ tốt và uy tín, Công ty đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành nghề, để phục vụ công việc thì các kiến thức liên quan đến ngành nghề là điều vô cùng cần thiết cho mỗi cá nhân trong tập thể. Hôm nay Công ty AGS sẽ giới thiệu đến các bạn tỉnh Thừa Thiên Huế của Việt Nam, nơi đây là một địa danh cực kì nổi tiếng bởi những dấu mốc lịch sử dân tộc và bảo tồn được những nét đẹp đặc trưng của con người miền trung Việt Nam, chúng ta cùng nhau đi tìm hiểu nơi này thông qua nội dung bên dưới nhé.

Vị trí địa lý

Thừa Thiên Huế có chung ranh giới đất liền với tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và giáp biển Đông.
Phía Bắc, từ Đông sang Tây, Thừa Thiên Huế trên đường biên dài 111,671 km tiếp giáp với các huyện Hải Lăng, Đakrông và Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Từ mặt Nam, tỉnh có biên giới chung với huyện Hiên, tỉnh Quảng Nam dài 56,66km, với huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng dài 55,82 km. Ở phía Tây, ranh giới tỉnh (cũng là biên giới quốc gia) kéo dài từ điểm phía Bắc (ranh giới tỉnh Thừa Thiên Huế với tỉnh Quảng Trị và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào) đến điểm phía Nam (ranh giới tỉnh Thừa Thiên Huế với tỉnh Quảng Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào) dài 87,97km. Phía Đông, tiếp giáp với biển Đông theo đường bờ biển dài 120km.
Phần đất liền, Thừa Thiên Huế kéo dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, nơi dài nhất 120 km (dọc bờ biển), nơi ngắn nhất 44 km (phần phía Tây); mở rộng chiều ngang theo hướng Đông Bắc – Tây Nam với nơi rộng nhất dọc tuyến cắt từ xã Quảng Công (Quảng Điền), thị trấn Tứ Hạ (Hương Trà) đến xã Sơn Thủy – Ba Lé (A Lưới) 65km và nơi hẹp nhất là khối đất cực Nam chỉ khoảng 2-3km.
Phần thềm lục địa biển Đông của Thừa Thiên Huế kéo dài tự nhiên từ đất liền đến đường cơ sở rộng 12 hải lý gọi là vùng nội thủy. Chiều rộng vùng nội thủy của thềm lục địa Thừa Thiên Huế được tính theo đường thẳng nối liền điểm A11 (đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị) với tọa độ 17010’00” vĩ Bắc và 107000’26” kinh Đông đến điểm A10 (đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) với tọa độ 15023’01” vĩ Bắc và 109009’00” kinh Đông. Vùng đặc quyền kinh tế mở rộng đến 200 hải lý tính từ đường cơ sở.
Điều đáng lưu ý là trên thềm lục địa biển Đông ở về phía Đông Bắc cách mũi cửa Khém nơi gần nhất khoảng 600m có đảo Sơn Chà. Tuy diện tích đảo không lớn (khoảng 160ha), nhưng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng đối với nước ta nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng.
Thừa Thiên Huế nằm trên trục giao thông quan trọng xuyên Bắc-Nam, trục hành lang Đông – Tây nối Thái Lan – Lào – Việt Nam theo đường 9. Thừa Thiên Huế ở vào vị trí trung độ của cả nước, nằm giữa thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai trung tâm lớn của hai vùng kinh tế phát triển nhất nước ta, là nơi giao thoa giữa điều kiện tự nhiên – kinh tế – xã hội của cả hai miền Nam – Bắc. Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm văn hoá, du lịch, trung tâm giáo dục đào tạo, y tế lớn của cả nước và là cực phát triển kinh tế quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Bờ biển của tỉnh dài 120 km, có cảng Thuận An và vịnh Chân Mây với độ sâu 18 – 20m đủ điều kiện xây dựng cảng nước sâu với công suất lớn, có cảng hàng không Phú Bài nằm trên đường quốc lộ 1A và đường sắt xuyên Việt chạy dọc theo tỉnh, có 81 km biên giới với Lào.
Vị trí địa lý như trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho Thừa Thiên Huế phát triển sản xuất hàng hoá và mở rộng giao lưu kinh tế – xã hội với các tỉnh trong cả nước và quốc tế.
Nằm ở vị trí trung tâm của đất nước và trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Huế đã được Trung ương xác định là đô thị loại I, là Thành phố di sản văn hóa thế giới, một trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc, là thành phố Festival của Việt Nam. Thành phố Huế là kinh đô phong kiến cuối cùng của Việt Nam, vốn có lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời với những giá trị và bản sắc độc đáo. Các giá trị di sản văn hóa nơi đây thể hiện những nét riêng hấp dẫn của một vùng văn hóa, vừa mang tính đặc thù - bản địa, vừa mang tính dân tộc - phổ biến, vừa tiếp thu có chọn lọc tinh hoa của các nền văn hóa Á Âu.

Điều kiện tự nhiên

Thừa Thiên-Huế là một tỉnh nằm ở miền Trung Việt Nam, phía bắc giáp tỉnh Quảng Trị, phía nam giáp Tp. Đà Nẵng, tây nam giáp tỉnh Quảng Nam, phía tây dựa vào dãy Trường Sơn hùng vĩ và cũng là biên giới Việt – Lào, phía đông trông ra biển.
Huế là một ngoại lệ về khí hậu so với Bắc và Nam. Nơi đây khí hậu khắc nghiệt và có sự khác nhau giữa các vùng trong tỉnh. Vùng duyên hải, đồng bằng của tỉnh có hai mùa rõ rệt: mùa khô từ tháng 3 đến tháng 8, trời nóng oi bức, có khi lên tới 39,9ºC. Từ tháng 8 đến tháng 1 ở Huế là mùa mưa, bão lụt nhiệt độ thường là 19,7ºC, có khi lạnh nhất 8,8ºC. Vào mùa này thường có những đợt mưa suốt ngày, có khi kéo dài cả tuần lễ. Vùng núi mưa nhiều, khí hậu mát, nhiệt độ thấp nhất 9ºC, cao nhất 29ºC.
Du khách muốn đi du lịch ở Huế nên chọn đi vào mùa khô để có thể thăm thú được nhiều nơi. Tuy nhiên mùa mưa ở Huế cũng có những nét thú vị riêng của nó. Bạn có thể cùng nhau đi dưới mưa cảm nhận cái không cùng của trời đất, những thi vị của tình yêu, cuộc sống. Hay vào những nhà hàng đặc sản, quán ăn bình dân thưởng thức những vị cay của món ăn Huế. Bởi điều đặc biệt và rất riêng của mưa Huế là mưa phùn, mưa kéo dài có khi suốt cả mấy tuần liền.
Nếu bạn muốn trốn mưa Huế thì chỉ cần vào Ðà Nẵng, phía Nam Huế khoảng 100km thì có thể bắt gặp lại sự ấm nóng bởi những tia nắng của mặt trời. Tuy vậy, trong mùa này, giữa những đợt mưa cũng có những ngày trời trong xanh tuyệt đẹp
Địa danh HUẾ chính thức được thay tên gọi PHÚ XUÂN từ khi nào


Hiện chưa có nguồn thông tin nào khẳng định địa danh "Huế" chính thức xuất hiện lúc nào, tuy nhiên có thể theo thông tin:

  • Ngày 20-10-1898, dụ của Vua Thành Thái lập thị xã Huế, ngày 30-8-1899 Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định chuẩn y đạo dụ và ngày 12-12-1929 được nâng thành thành phố Huế (địa giới hành chính chỉ gồm 9 phường nằm ngoài Kinh thành, từ phường đệ nhất đến phường đệ cửu, đến năm 1934 được sắp xếp thành 11 phường).
  • Sau Cách mạng Tháng Tám, thị xã Huế bao gồm cả khu vực nội ngoại thành, là tỉnh lỵ của Thừa Thiên.
  • Năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm cải cách hành chính, Huế là thành phố (về sau là thị xã) ngang cấp với tỉnh Thừa Thiên, nhưng tỉnh lỵ Thừa Thiên vẫn đặt tại Huế.
  • Sau năm 1975, Huế là thành phố, tỉnh lỵ của tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) gồm 18 phường và 22 xã, đến năm 1989, Thừa Thiên tách khỏi tỉnh Bình Trị Thiên, Huế là thành phố tỉnh lỵ của Thừa Thiên Huế.

Quần thể di tích Cố đô Huế

Với một di sản văn hoá vật thể và tinh thần mang ý nghĩa quốc hồn quốc tuý của dân tộc, Huế là một hiện tượng văn hoá độc đáo của Việt Nam và thế giới. Quần thể di tích Cố đô Huế hay Quần thể di tích Huế là những di tích lịch sử - văn hoá do triều Nguyễn chủ trương xây dựng trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20 trên địa bàn kinh đô Huế xưa; nay thuộc phạm vi thành phố Huế và một vài vùng phụ cận thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế, Việt Nam, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới vào ngày 11 tháng 12 năm 1993.

Văn hóa đặc trưng Huế

Con Người Huế

Bạn đã từng tiếp xúc với người Huế thì sẽ không thể quên giọng nói ngọt ngào, nhẹ nhàng, dễ thương của họ. Mặc cho ở bất kì đâu nhưng chỉ cần nghe tiếng “dạ”, “thưa” mềm mại thì ai cũng có thể nhận ra đấy là giọng Huế đặc trưng. Người Huế thân thiện, nhiệt tình và vô cùng hiếu khách. Đặc biệt là ở người con gái Huế, bạn sẽ không thể nào không yêu quý họ bởi sự thanh tao, nhẹ nhàng trong cử chỉ, duyên dáng trong cách cư xử và giọng nói dễ thương trong tà áo dài sắc tím mộng mơ bên chiếc nón bài thơ. Văn hóa Huế đặc trưng chính bởi vẻ đẹp trong con người Huế dù bạn có tiếp xúc một lần nhưng mỗi lần nhớ đến cũng khiến bạn không khỏi yêu mến.

Kiến Trúc Huế

Khi đến du lịch Huế, bạn sẽ như ngược dòng thời gian trở về nước Việt xưa những năm thế kỉ 17, 18 với nhiều loại hình kiến trúc đền đài, thành quách, lăng tẩm. Kiến trúc Huế rất đa dạng, phong phú với kiến trúc cung đình, kiến trúc dân gian, kiến trúc tôn giáo và kiến trúc đền miếu đan xen cùng kiến trúc truyền thống và hiện đại. Trong đó công trình kiến trúc nổi bật nhất ở Huế chính là kinh thành Huế. Mỗi công trình kiến trúc đều là những tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh, đặc sắc thể hiện một phần yếu tố triết lý cũng như tâm lý. Hơn nữa, kiến trúc Huế còn nổi tiếng bởi những công trình kiến trúc cổ mang đậm tính chất phong thủy. Bình phong và hòn non bộ được xem là những tiểu cảnh không thể thiếu trong các kiến trúc truyển thống Huế.

Văn Hóa Nghệ Thuật Huế

Nghệ thuật tuồng ở Huế - Nét đặc trưng văn hóa Huế

Nghệ thuật tuồng phát triển sớm từ thế kỉ 17 dưới thời chúa Nguyễn. Đến triều Nguyễn, tuồng trở thành quốc kịch và rất được xem trọng. Triều đình nhà Nguyễn đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho nghệ thuật tuồng phát triển. Ngày nay khi đến du lịch Huế, bạn có cơ hội đi thăm Đại Nội Huế sẽ được tham quan nhà hát Duyệt Thị Đường, Tĩnh Quang Viện, Thông Minh Đường. Dưới triều Minh Mạng, nhà vua đã cho xây dựng Thanh Bình Thự làm nơi dạy tuồng cho diễn viên. Vua Tự Đức thì thành lập Ban Hiệu Thư chuyên chỉnh lí, hiệu đính và sáng tác tuồng. Các vở tuồng cung đình vẫn còn được lưu truyền, thường xuyên biểu diễn ngày nay có thể kể đến như: Sơn Hậu, Dương Chấn Tử, Tam nữ đồ Vương, Hồ thạch phủ, Lý Phụng Đình, Giác oan,…

Ca Huế

Nếu chưa đến Huế nhưng chắc chắn ai cũng một lần nghe đến ca Huế trên sông Hương. Đây là hình thức nghệ thuật giải trí được người Huế rất ưa chuộng. Bên cạnh dòng âm nhạc dân gian và dòng ca nhạc cung đình thì người ta xếp ca Huế vào giữa. Ca Huế có những đặc trưng riêng với chất trữ tình sâu lắng làm xao động lòng người, chất chứa nhiều nỗi niềm cuộc đời của người dân xứ Huế.
Một bản ca Huế có cấu trúc chặt chẽ, nghiêm ngặt. Khi biển diễn ca Huế sẽ kết hợp với bộ ngũ tuyệt Tranh, Tỳ, Nhị, Nguyệt, Tam xen với Bầu, Sáo và bộ gõ trông Huế, sanh loan và sanh tiền tạo nên những khúc nhạc sâu lắng chạm vào tâm hồn người nghe.
Ngày nay, tham gia tour du lịch Huế ngồi trên thuyền rồng lênh đênh trên dòng Hương giang, lắng nghe những lời ca trữ tình của ca Huế sẽ là một trải nghiệm văn hóa Huế đặc sắc mà du khách không nên bỏ qua.
Nhã nhạc cung đình Huế - Văn hóa nghệ thuật đặc trưng của Huế
Nhã nhạc cung đình Huế là thuật ngữ dùng để chỉ loại nhạc chính thống dùng trong cung đình phong kiến thời xưa mỗi dịp lễ tế và triều hội, là sản phẩm kết hợp giữa lễ và nhạc. Nhã nhạc cung đình bắt nguồn từ thời Lê nhưng phải đến thời Nguyễn, nhã nhạc phát triển một cách có hệ thống và bài bản. Nhã nhạc cung đình Huế đã được tổ chức Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2003.

Vũ khúc cung đình Huế

Vũ khúc cung đình là sản phẩm mang tính kế thừa của chế độ phong kiến hàng nghìn năm và được kết tinh dưới thời nhà Nguyễn. Có hơn 15 vở múa lớn từ múa lễ, múa yến tiệc, múa trình diễn tích tuồng. Các vở diễn thường được tổ chức quy mô hoành tráng, số lượng người tham gia đông thể hiện vẻ đẹp rộn ràng, lấp lánh và phô diễn kĩ thuật múa tinh xảo được kết tinh qua hàng nghìn năm của người Việt.

Lễ Hội Huế

Đến du lịch Huế, bạn sẽ được trải nghiệm hai loại lễ hội: lễ hội cung đình và lễ hội dân gian. Lễ hội cung đình thường chú trọng vào phần lễ hơn phần hội, phản ánh sinh hoạt lễ nghi của triều đình. Lễ hội dân gian gồm nhiều lễ hội phong phú như: lễ hội Huệ Nam ở Hòn Chén theo tín ngưỡng người Chăm Pa, lễ hội tưởng nhớ những vị thánh thành lập làng, lễ hội tưởng nhớ những tổ nghề của các làng nghề truyền thống. Trong dịp lễ tết ở các lễ hội dân gian, các hoạt động văn hóa dân gian diễn ra sôi nổi như kéo co, đấu vật, đua thuyền,… thu hút sự quan tâm của du khách.


Ngoài các lễ hội truyền thống đã tồn tại lâu đời ở Huế thì Festival Huế những năm gần đây là hoạt động văn hóa Huế truyền thống hấp dẫn du khách đến Huế. Festival Huế được tổ chức từ năm 2000, theo thường lệ hai năm tổ chức một lần.

Mỹ thuật Huế

Mỹ thuật Huế được chia làm hai dòng: mĩ thuật cung đình (cung thành, lăng tẩm…) và mĩ thuật dân gian (chùa, đình, nhà ở của người dân…). Mỹ thuật Huế là sự giao thoa của nền văn hóa Chăm và nghệ thuật trang trí Tây Phương. Trang trí cung đình Huế còn tiếp thu và nâng cao mĩ thuật dân gian Việt Nam. Mỹ thuật Huế đặc sắc trong các tác phẩm chạm khắc trên nhiều chất liệu như gỗ, xà cừ, vàng bạc, khảm sành sứ, ngọc ngà,… Ngoài ra Huế còn là quê hương của nhiều họa sĩ tranh sơn dầu, kể như họa sĩ tranh sơn dầu đầu tiên của Việt Nam Lê Văn Miên.

Ẩm thực Huế

Nói đến ẩm thực xứ Huế, bạn sẽ không khỏi cảm thán bởi sự cầu kì trong cách chế biến, bài trí của họ. Chỉ đi một vòng tour Huế thưởng thức hết các món ngon đặc sản Huế nổi tiếng từ bún bò, cơm hến, bún hến đến các loại bánh đặc sản xứ Huế, chè Huế, bạn sẽ cảm thấy thời gian không bao giờ là đủ để cảm nhận hết những món ăn này.
Các món ăn dân gian được nấu theo lối Huế vẫn được người Huế lưu giữ hơn 1000 món ăn khác nhau. Người Huế nấu ăn chú trọng vào chất hơn lượng với nghệ thuật trình bày đẹp mắt, nghệ thuật tinh tế. Nếu có cơ hội hãy một lần chiêm ngưỡng bàn ngự thiện của nhà vua nhà Nguyễn, bạn sẽ không khỏi cảm giác thán phục những món ăn cao lương mĩ vị, được bố trí công phu, tỉ mỉ, nấu nướng cầu kì.


Văn hóa Huế là một trong những điểm đến hấp dẫn không thể bỏ qua trong chuyến hành trình tới các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ của bạn. Một Huế thơ mộng, đáng yêu như vậy là nơi mà tất cả du khách yêu thích sự yên bình muốn đặt chân. Bên cạnh Huế, bạn cũng có thể tham gia tour du lịch Đà Nẵng - Hội An cho chuyến đi du lịch Huế thêm trọn vẹn và đáng nhớ.

Địa điểm du lịch Thừa Thiên Huế

Xứ Huế mộng mơ không chỉ thu hút bởi hình ảnh những di tích lịch sử nổi tiếng mà nơi đây còn có rất nhiều tọa độ check in lý tưởng mà bạn không nên bỏ lỡ, dưới đây là một số địa điểm nổi tiếng:

Đại Nội Huế

Nhắc đến quần thể di tích cố đô Huế nổi tiếng, bạn chắc chắn sẽ chẳng thể nào bỏ qua Đại Nội Huế. Đại Nội bao gồm Tử Cấm Thành và Hoàng Thành Huế với hơn 100 công trình kiến trúc đặc sắc được xây dựng từ thời vua Nguyễn và được lưu giữ cho đến tận ngày nay. Đại Nội Huế đã từng chứng kiến biết bao thăng trầm lịch sử, đã đồng hành cùng người dân mảnh đất cố đô trong suốt nhiều thập kỷ qua và nơi đây cũng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào khoảng 30 năm trước.

Chùa Thiên Mụ

Chùa Thiên Mụ là ngôi chùa cổ có tuổi đời đến hơn 400 năm tuổi, tọa lạc tại đồi Hà Khê, Thừa Thiên Huế. Mặc dù không phải là một công trình kiến trúc quá hoành tráng nhưng chùa Thiên Mụ lại luôn có một sức hút rất lớn đối với đông đảo khách du lich Hue và nơi đây cũng đã trở thành biểu tượng của thành phố Huế từ bao đời qua. Nếu có dịp đến Huế du lịch, bạn nhất định phải ghé thăm chùa Thiên Mụ để có thể check in và cảm nhận một cách rõ nét về sự yên tĩnh ngay giữa lòng thành phố này.

Sông Hương

Mỗi thành phố đều sẽ có một dòng sông gắn liền với sự hình thành của thành phố ấy và sông Hương ở Huế cũng vậy. Dòng sông Hương huyền thoại từ xưa đến nay vẫn luôn được xuất hiện trong thi ca lịch sử và được rất nhiều người biết đến. Sông Hương dài khoảng 80km với dòng chảy đi qua rất nhiều địa điểm nổi tiếng ở Huế, dòng sông bao lấy toàn bộ cố đô đã góp phần làm tăng thêm vẻ uy nghiêm và cổ kính của những công trình tiêu biểu này.

Cầu Trường Tiền

Cầu Trường Tiền từ lâu đã được xem là một trong những biểu tượng đặc trưng của thành phố Huế mộng mơ và được rất nhiều du khách tìm đến check in. Cây cầu này được miêu tả giống hệt như một cô gái Huế chính gốc, duyên dáng và dịu dàng vô cùng. Nếu có dịp đi tour du lịch Huế, cầu Trường Tiền chắc chắn sẽ là một địa điểm check in đặc sắc mà bạn nhất định không nên bỏ lỡ.

Trường Quốc Học Huế

Trường Quốc Học Huế được xây dựng tại bờ nam sông Hương. Ban đầu, ngôi trường này chỉ là những dãy nhà tranh nhỏ và mãi cho đến năm 1914, trường đã được thay thế hoàn toàn bằng hai dãy nhà lầu xây bằng gạch, có lợp ngói kiên cố để phục vụ việc dạy học. Kiến trúc ấy đã được lưu giữ cho đến tận ngày nay và thu hút đông đảo du khách tìm đến tham quan trong chuyến du lịch Thừa Thiên Huế.

Hải Vân Quan

Hải Vân Quan là một chiếc cổng đã từng chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử hình thành Huế. Hải Vân Quan tọa lạc trên đỉnh đèo Hải Vân - một trong những đèo hiểm trở nhất của Việt Nam. Ngày nay, Hải Vân Quan đã trở thành một thắng cảnh đặc sắc, một địa điểm du lịch nổi tiếng mà bạn nhất định không thể bỏ qua nếu có dịp đi tour du lịch Huế. Đứng từ vị trí Hải Vân Quan, du khách sẽ có thể ngắm nhìn được toàn cảnh đèo Hải Vân quanh co hiện lên ngay phía bên dưới. Đây chắc chắn sẽ là một địa điểm check in hoành tráng dành cho bạn đấy!

Lăng Khải Định

Lăng Khải Định là một công trình kiến trúc đặc sắc quy tụ đủ phong cách Á - Âu cổ điển. Lăng Khải Định được xem là một trong những địa điểm du lịch Thừa Thiên Huế nổi tiếng được rất nhiều du khách yêu thích nhờ sở hữu kiến trúc tinh tế mang giá trị nghệ thuật cao. Nếu có thời gian đến tham quan Lăng Khải Định, du khách cũng có thể tham khảo nhiều lăng tẩm khác của các vị vua tại Huế, cụ thể như lăng Dục Đức, lăng Đồng Khánh,...

Lăng Minh Mạng

Lăng Minh Mạng hay còn được gọi là Hiếu Lăng, đây là nơi chôn cất vị vua đã có nhiều đóng góp nhất đối với sự phát triển của đất nước lúc bấy giờ. Vua Minh Mạng mất đến 14 năm để có thể tìm được phong thủy tốt nhất để xây dựng ngôi lăng của chính mình. Cuối cùng, vị vua này đã chọn núi Cẩm Khê - nơi hội tụ 2 dòng Lưu Trạch và Tả Trạch tạo thành dòng sông Hương nổi tiếng.

Biển Lăng Cô

Biển Lăng Cô, hay còn gọi là vịnh Lăng Cô nổi tiếng là một bãi biển xinh đẹp tại Huế, đã từng được bình chọn là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới. Đi tour du lịch Huế, du khách có thể dành ra trọn vẹn một ngày để đến nghỉ dưỡng tại các resort sang trọng ở biển Lăng Cô, được thưởng thức nhiều loại hải sản tươi ngon và đặc biệt là hiểu rõ hơn về cuộc sống của những ngư dân tại làng chài.

Ẩm thực xứ Huế

Cơm hến / Bún hến

Một bát cơm huế đúng chuẩn “Huế” phải là cơm nguội để qua đêm, như vậy mới có thể giữ được cái giòn của rau và hương thơm của các gia vị. Đúng với tính cách “ăn cay nói nặng” của người Huế, món đặc sản Huế này phải đủ vị, mặn mà và đặc biệt là phải cay thật cay. Khi đến Huế, nếu bạn không dặn kỹ thì bát cơm hến của bạn đảm bảo sẽ khiến bạn bỏng lưỡi mà thôi.

Bún bò Huế

Khác với người miền Nam, nơi mà tô bún bò Huế có vị ngọt thanh dễ chịu từ xương, người Huế họ dùng xác ruốt để chắt lấy vị cho bát bún. Chính vì thế, bát bún bò Huế truyền thống muốn chuẩn vị là phải mặn nồng, đậm đà hơn nhiều. Một điểm khác biệt giữa bún bò ở Huế với ở những vùng miền khác chính là sợi bún. Với món này, người Huế đặc biệt dùng bún gạo sợi nhỏ, hay còn gọi là bún tươi, loại bún mà bạn thường ăn khi gỏi cuốn, hoặc bún riêu, bún măng.

Mè xửng

Mè xửng, hay còn gọi là kẹo mè xửng, là một trong những món ăn luôn xuất hiện trên bàn trà của người Huế. Người Huế xưa thường vừa uống trà, vừa nhâm nhi miếng mè xửng nhỏ, đây cũng là một trong những thú vui tao nhã. Thật ra, ở Huế không vội được đâu, ăn mè xửng cũng thế. Với món đặc sản Huế dinh dính này, bạn chỉ có thể được trong miệng mới có thể cảm nhận hết vị ngọt, cái dẻo và thơm mát mà chúng mang lại.

Bánh ram ít

Nếu xét trong các món bánh mặn thì bánh ram ít có phần kỳ công hơn cả từ hình dáng, cách phối màu cho đến cách làm. Sự kỳ công này đến từ việc bánh ram ít, trước khi trở thành món đặc sản Huế dễ dàng ăn thử ở bất kỳ nơi đâu như ngày nay, đã từng là món ăn được các triều Vua nhà Nguyễn ưa thích.

Tré Huế

Thoạt nhìn, nhiều du khách sẽ dễ bị nhầm lẫn giữa tré Huế và nem chả Huế vì thật chất hai món đặc sản Huế này có “họ hàng” với nhau, tuy nhiên, cách làm của chúng lại khác nhau nên bạn cần hỏi kỹ trước khi mua nhé. Vị của tré thơm mùi thính, vị ngọt đậm, hơi chua. Tré Huế có hai loại là tré heo và tré bò.

Tôm chua Huế

Tôm chua là một món đặc sản Huế bình dị mà bạn khó có thể thấy ở những tỉnh thành khác. Bản thân tôm đã có vị thanh mát, ngọt dịu nay được pha với cay nồng từ các loại gia vị chẳng những không át được vị mát lành vốn có của tôm mà còn thật hài hòa và quyến rũ khi ăn cùng với các món ăn kèm khác.


Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết của chúng tôi. Hi vọng bài viết có thể cung cấp cho bạn sẽ có những thông tin bổ ích trong cuộc sống và công việc, và mở ra cho các bạn thêm những góc nhìn mới hơn về các vấn đề trong ngành nghề cũng như là các giá trị văn hóa của hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi đễ có thêm những thông tin bổ ích khác và cơ hội việc làm cực hấp dẫn tại Công ty AGS nữa nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Tổng hợp





Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ