Chi phí hỗ trợ người lao động đi học nâng cao tay nghề có được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp hay không?

2025/01/02

ThuếTNDN


Công ty Kế toán AGS Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và cung cấp dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, Thuế, Tư vấn quản lý, chuyển đổi và tái cơ cấu doanh nghiệp.

Trong bài viết này công ty AGS sẽ chia sẻ về chủ đề Chi phí hỗ trợ người lao động đi học nâng cao tay nghề có được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp hay không?. Bài viết dành cho các kế toán viên đang phụ trách về phần thuế, chủ doanh nghiệp muốn tìm hiểu về cách tính thuế. AGS muốn chia sẻ về chủ đề này bởi vì thuế thu nhập doanh nghiệp khuyến khích doanh nghiệp hoạt động minh bạch, tuân thủ pháp luật và góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh.

Cùng tìm hiểu kĩ hơn về chủ đề này qua bài viết dưới đây nhé.

1. Thuế TNDN

Thông tư 78/2014/TT-BTC tại Điều 6, Khoản 1 quy định các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế như sau:

“1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;
b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.”

Căn cứ theo quy định trên học phí cho nhân viên tham gia các khóa bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động, phù hợp với công việc chuyên môn của người lao động, để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nếu có đầy đủ hóa đơn chứng từ hợp pháp thì được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.


Chi phí đào tạo nghề cho nhân viên

2. Chứng từ để chi phí cho cán bộ đi học gồm:

  • Quyết định cử cán bộ đi học để nâng cao tay nghề.
  • Hoá đơn thu học phí, biên lai thu học phí.
  • Chứng từ thanh toán cho cán bộ đi học.
  • Giữa công ty và nhân viên có ký hợp đồng lao động.
  • Bản cam kết khi về nhân viên sẽ làm việc tại công ty, hoặc quy chế đào tạo của công ty.

3. Doanh nghiệp có phải hỗ trợ người lao động đi học nâng cao tay nghề trước khi chuyển người lao động làm công việc khác cho mình không?

Căn cứ Điều 60 Bộ Luật lao động 2019 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động như sau:
Trách nhiệm của người sử dụng lao động về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề
1. Người sử dụng lao động xây dựng kế hoạch hằng năm và dành kinh phí cho việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, phát triển kỹ năng nghề cho người lao động đang làm việc cho mình; đào tạo cho người lao động trước khi chuyển làm nghề khác cho mình.
2. Hằng năm, người sử dụng lao động thông báo kết quả đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Theo quy định trên thì doanh nghiệp sẽ phải hỗ trợ người lao động đi học nâng cao tay nghề trước khi chuyển người lao động làm công việc khác cho mình.

4. Chi phí hỗ trợ cho người lao động đi học nâng cao tay nghề có được tính vào chi phí đào tạo hay không?

Căn cứ Điều 62 Bộ Luật lao động 2019 quy định về hợp đồng đào tạo nghề giữa người sử dụng lao động, người lao động và chi phí đào tạo nghề như sau:
Hợp đồng đào tạo nghề giữa người sử dụng lao động, người lao động và chi phí đào tạo nghề
1. Hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề trong trường hợp người lao động được đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động.
Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.
2. Hợp đồng đào tạo nghề phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Nghề đào tạo;
b) Địa điểm, thời gian và tiền lương trong thời gian đào tạo;
c) Thời hạn cam kết phải làm việc sau khi được đào tạo;
d) Chi phí đào tạo và trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo;
đ) Trách nhiệm của người sử dụng lao động;
e) Trách nhiệm của người lao động.
3. Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian đào tạo.
Theo quy định thì chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội,..và các khoản chi phí khác.
Như vậy, các khoản chi phí hỗ trợ cho người lao động đi học nâng cao tay nghề sẽ được tính vào trong chi phí đào tạo.

5. Chi phí hỗ trợ người lao động đi học nâng cao tay nghề có được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không?

Căn cứ Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC (sửa đổi bởi Điều 4 Thông tư 96 /2015/TT-BTC) quy định về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế như sau:
Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

2.30. Các khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế, trừ các khoản chi sau:
- Các khoản thực chi cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc của doanh nghiệp, bao gồm: Chi phí đào tạo cán bộ phòng, chống HIV/AIDS của doanh nghiệp, chi phí tổ chức truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động của doanh nghiệp, phí thực hiện tư vấn, khám và xét nghiệm HIV, chi phí hỗ trợ người nhiễm HIV là người lao động của doanh nghiệp.
- Khoản thực chi để thực hiện nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh, huấn luyện, hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ và phục vụ các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
- Khoản thực chi để hỗ trợ cho tổ chức Đảng, tổ chức chính trị xã hội trong doanh nghiệp.
- Khoản chi cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề nghiệp cho người lao động bao gồm:
+ Chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, thiết bị dùng để hoạt động giáo dục nghề nghiệp, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học.
+ Chi phí đào tạo của doanh nghiệp cho người lao động được tuyển dụng vào làm việc tại doanh nghiệp
...

Theo quy định trên thì các khoản chi phí hỗ trợ cho người lao động đi học nâng cao tay nghề sẽ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

6. Hạch toán

Khi doanh nghiệp chi tiền đào tạo hỗ trợ người lao động.
Nợ TK 642
Có TK 111, 112
Lưu ý : Chi phí đào tạo không đưa vào chi phí chờ phân bổ

Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc bài viết này. Hy vọng bạn đã có được những thông tin bổ ích. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều thông tin cũng như cơ hội việc làm tại AGS nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/phap-luat/chi-phi-ho-tro-nguoi-lao-dong-di-hoc-nang-cao-tay-nghe-co-duoc-tru-khi-xac-dinh-thu-nhap-chiu-thue--96456-80075.html#google_vignette

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ