Công ty TNHH Kế toán - Kiểm toán AGS nằm trong hàng đầu những đơn vị chuyên
cung cấp các dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, và tư vấn thuế tài chính. Cùng với
chất lượng dịch vụ tốt và uy tín, Công ty đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành
nghề, để phục vụ công việc thì các kiến thức liên quan đến ngành nghề là điều
vô cùng cần thiết cho mỗi cá nhân trong tập thể. Hôm nay Công ty AGS sẽ cùng
các bạn quay về quá khứ lịch sử Việt Nam để tìm hiểu một trong các bảo vật
lịch sử nổi tiếng và có sự ảnh hưởng lớn đến nét văn hóa của dân tộc Việt Nam,
đó chính là Bộ sưu tập bản phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam của Họa sĩ Bùi
Trang Chước thông qua món bảo vật quốc gia này chúng ta sẽ có cái nhìn sâu sắc
hơn về lịch sử dân tộc, những dấu mốc thăng trầm của tổ quốc từ đó khẳng định
lãnh thổ chủ quyền đất nước đến bạn bè thế giới. Khơi dậy lòng yêu nước, tự
hào dân tộc trong mỗi con người Việt Nam, vậy hãy cùng AGS đi tìm hiểu về bảo
vật này và giai thoại liên quan để chúng ta có những cái nhìn sâu sắc hơn bạn
nhé.
Bảo vật quốc gia Bộ sưu tập bản phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam (niên đại 1953
- 1955) của họa sĩ Bùi Trang Chước gồm 112 mẫu vẽ trên nền giấy. Trong số này
có 57 bản chì, 55 bản màu, đều do cố họa sĩ vẽ tay. Được gia đình ông Bùi
Trang Chước tặng năm 2003, Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3 hiện là nơi sở hữu bộ
sưu tập này. Phần lớn các bản phác thảo mẫu Quốc huy đã bị ố vàng, phai mờ,
đặc biệt có 2 bản vẽ khổ lớn 56 x 34 cm đã bị rách cạnh.
Hồ sơ bảo vật cho biết, ở bản màu, cố họa sĩ sử dụng 2 màu chủ đạo là vàng và
đỏ. Đây là 2 màu được hòa quyện trong Quốc kỳ của Việt Nam. Nội dung hồ sơ cho
biết về lựa chọn này: “Lấy Quốc kỳ làm nội dung là có ý nghĩa hơn cả… Tượng
trưng cho lịch sử cách mạng của dân tộc ta, là hình ảnh tươi thắm nhất, tiêu
biểu nhất cho dân tộc ta cũng như cho chính thể dân chủ cộng hòa của chúng ta.
Đó là hình ảnh đẹp nhất và xứng đáng nhất để làm nền cho Quốc huy”.
Theo hồ sơ, nếu Quốc kỳ hay Quốc ca được ra đời trong những năm dân tộc ta
đang trong cuộc đấu tranh đầy gian khổ chống lại thực dân, phong kiến, phát
xít và mang theo tiếng lòng, niềm khao khát đến cháy bỏng độc lập, tự do, thì
Quốc huy được hình thành trong bối cảnh, tâm thế khác của nước Việt. Tâm thế
đó, theo hồ sơ bảo vật quốc gia, chính là tâm thế của một quốc gia độc lập tự
chủ. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi đó thiết lập quan hệ ngoại giao chính
thức với nhiều nước vào đầu năm 1950 như: Trung Quốc, Liên Xô (Liên bang Nga),
Triều Tiên… Việc hình thành Quốc huy là một yêu cầu của lịch sử. Công văn mà
Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Quốc hội có nội dung: “Nước ta chưa có Quốc huy và
Quốc ấn. Bộ tôi nhận thấy đã đến lúc cần nghiên cứu làm để đạt quy nếp chỉnh
tề cho việc giao thiệp quốc tế của ta rồi đây ngày sẽ một thêm phát triển”.
Theo Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3, tháng 10.1954, có 15 bản phác thảo mẫu Quốc
huy nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của họa sĩ Bùi Trang Chước được Ban Mỹ
thuật - Ngành Văn nghệ T.Ư chọn gửi Bộ Tuyên truyền để trình Thủ tướng xem
xét. Việc chỉnh sửa diễn ra tới tháng 9.1955. Họa sĩ Bùi Trang Chước hoàn
thành mẫu Quốc huy gồm 1 bản màu, 2 bản tách màu đen trắng để trình Quốc hội.
Bản thảo cũng được chỉnh sửa thêm các chi tiết. Sau khi Quốc hội phê duyệt,
Sắc lệnh số 254-SL v/v ban bố mẫu Quốc huy Việt Nam được ban hành, đăng công
báo vào 8.8.1954.
Bảo vật của mỹ thuật và lịch sử
Hồ sơ bảo vật cho biết, tập phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam là bản gốc, có
tính chất duy nhất, độc bản do chính họa sĩ Bùi Trang Chước thực hiện. Trong
đó, họa sĩ đã chọn sử dụng hình oval, hình tròn làm hình cơ bản của Quốc huy.
Mỗi bản vẽ đều có những hình ảnh đặc trưng của dân tộc Việt Nam như: dải đất
hình chữ S, Quốc kỳ, con trâu, cánh đồng lúa chín vàng, Tháp Rùa, Cột cờ Hà
Nội, chùa Một cột, hình ngôi sao năm cánh, rặng tre, dải lụa, bông lúa, tên
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa… Điều này, theo hồ sơ, “thể hiện sự tiếp nối
truyền thống, lịch sử cách mạng, nền độc lập, chủ quyền thiêng liêng và cho
đến ngày nay những hình ảnh đó vẫn luôn gắn liền, hiện hữu trong lòng Việt
Nam”.
Nội dung hồ sơ cũng đánh giá những bản phác thảo mẫu Quốc huy của họa sĩ Bùi
Trang Chước chính là nguồn gốc, là cơ sở, tiền đề, nền tảng cho Quốc huy chính
thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam).
Ông Chước còn là tác giả của một số mẫu huân chương: Sao vàng, Hồ Chí Minh,
Độc lập, Lao động, Kháng chiến, Quân công, Chiến sĩ...
Hồ sơ bảo vật cũng cho rằng, bộ sưu tập phác thảo này có giá trị đặc biệt về
tài liệu đối với sự toàn vẹn của Phông Lưu trữ quốc gia Việt Nam. Nó cũng có
giá trị nghệ thuật đối với ngành mỹ thuật Việt Nam, đồng thời là giáo cụ trực
quan rõ nét đối với hoạt động sáng tác mỹ thuật, giáo dục truyền thống đầy đủ,
khách quan về lịch sử, về tác giả Quốc huy Việt Nam.
Phần 1. Quốc huy Việt Nam - Biểu tượng tự hào dân tộc
Giới thiệu một số tài liệu, hình ảnh Quốc huy Việt Nam được thể hiện trên các
sự kiện, địa điểm trên đất liền cũng như biên giới, hải đảo, trong các giấy tờ
quan trọng,…qua đó thấy được tầm quan trọng, sự thiêng liêng của Quốc huy Việt
Nam.
Phần 2. Hành trình sáng tạo mẫu Quốc huy Việt Nam
Giới thiệu một số văn bản khởi nguồn cho việc sáng tác Quốc huy Việt Nam, như:
Công văn số 87-NG ngày 28/01/1951 của Bộ Ngoại giao gửi Ban Thường trực Quốc
hội v/v đề nghị làm Quốc huy, Quốc ấn; Công văn số 467-NG ngày 08/6/1951 của
Bộ Ngoại giao v/v phát động cuộc thi hoạ mẫu Quốc huy nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa;…
Tiếp đó là hành trình sáng tạo mẫu Quốc huy của Hoạ sĩ Bùi Trang Chước, từ
những nét phác thảo đầu tiên với những cây tre, con trâu, bông lúa,… hay hình
dáng đa dạng, màu sắc phong phú, chủ đề thân thuộc cùng những lời tự sự về
hành trình sáng tác mẫu Quốc huy của Hoạ sĩ.
Những bản phác thảo mẫu Quốc huy của Họa sĩ Bùi Trang Chước (tức Nguyễn Văn
Chước) chính là nguồn gốc, là cơ sở, tiền đề, nền tảng cho Quốc huy chính thức
của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt
Nam), đồng thời, các bản phác thảo này còn mang những dấu ấn đặc biệt về chủ
đề, nội dung, ý nghĩa từng chi tiết tác phẩm, mang âm hưởng, hơi thở của dân
tộc trong từng mẫu vẽ và vô cùng phong phú về hình ảnh, màu sắc, độc đáo về
hình thức, bố cục, trình bày, giá trị nghệ thuật;...
Phần 3. Hoạ sĩ Bùi Trang Chước - Người tạo hình Quốc huy Việt Nam
Giới thiệu chân dung, quê hương, gia đình, quá trình học tập, lao động, sáng
tạo của Họa sĩ Bùi Trang Chước, khắc họa hình ảnh của người nghệ sĩ đa tài với
nhiều tác phẩm có giá trị ứng dụng: mẫu Quốc huy, mẫu tem, tiền, huy hiệu,
chân dung Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh,…
Hơn nữa, ghi dấu tài năng của ông, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã dành tặng ông
nhiều Huân chương, giải thưởng, ghi danh cao quý: Huân chương Kháng chiến
chống Mỹ hạng nhất (1988), Huân chương Lao động hạng nhì (1988), Giải thưởng
Hồ Chí Minh; tên ông - Bùi Trang Chước đã được đặt cho hai đường phố tại Thủ
đô Hà Nội và thành phố Đà Nẵng; Nhà nước CHDCND Lào trao tặng ông Huân chương
Isala của Lào (1982);…
Theo Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, cùng với Quốc ca, Quốc kỳ, Quốc huy Việt
Nam là một trong những biểu tượng thiêng liêng, tự hào thể hiện đầy đủ và súc
tích về đất nước và con người Việt Nam, về cội nguồn, về ý chí, về truyền
thống lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam. Quá trình hình thành, ra đời của Quốc
huy Việt Nam là câu chuyện đặc biệt gắn liền với lịch sử đất nước và hành
trình đấu tranh, bảo vệ dân tộc, đồng thời cũng là câu chuyện đầy thú vị, gắn
với cuộc đời, sự nghiệp của người Hoạ sĩ tài ba Bùi Trang Chước. Bên cạnh Quốc
huy chính thức hiện nay đang được sử dụng của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa
Việt Nam thì những bản phác thảo Quốc huy Việt Nam là tài sản quý giá của dân
tộc và được vinh danh là Bảo vật quốc gia.
Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết của chúng tôi. Hi vọng
bài viết có thể cung cấp cho bạn sẽ có những thông tin bổ ích trong cuộc sống
và công việc, và mở ra cho các bạn thêm những góc nhìn mới hơn về các vấn đề
trong ngành nghề cũng như là các giá trị văn hóa của hai dân tộc Việt Nam -
Nhật Bản. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi đễ có thêm những thông tin bổ ích
khác và cơ hội việc làm cực hấp dẫn tại Công ty AGS nữa nhé.
Thông tin khác
Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

AGS luôn mở rộng cánh cửa cho những ứng viên muốn thử thách bản thân trong lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán - Ngôn ngữ Nhật - Pháp lý - Nhân sự. Xem chi tiết bài viết để biết thêm về Thông tin tuyển dụng tại AGS bạn nhé!
Tổng hợp