Hoàn thiện chính sách thuế xanh nhằm phát triển bền vững

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tác động mạnh mẽ, phát triển kinh tế bền vững không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu cấp thiết. Chính sách thuế xanh đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình sản xuất thân thiện với môi trường, giảm phát thải và sử dụng tài nguyên hiệu quả. Vậy Việt Nam đã triển khai các chính sách thuế xanh như thế nào? Doanh nghiệp có thể tận dụng những ưu đãi gì để hướng tới phát triển bền vững? Hãy cùng AGS tìm hiểu trong bài viết dưới đây!

I. Chính sách thuế xanh nhằm phát triển bền vững

Tăng trưởng xanh là quá trình tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo sự phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống. Một trong những chính sách đang được các quốc gia trên thế giới áp dụng hiệu quả để bảo vệ môi trường, hướng tới tăng trưởng bền vững là chính sách thuế, bao gồm các chính sách thuế đánh trên nguồn năng lượng, các chất và hoạt động gây ô nhiễm môi trường, các chất và hoạt động gây hại cho hệ sinh thái.



Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, trong đó đã đề ra các mục tiêu hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Cùng chung sức với cộng đồng quốc tế, tháng 12/2015, Việt Nam cũng đã tham gia ký kết Thỏa thuận Paris về khí hậu tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (UNFCCC) về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP21). Năm 2021, Việt Nam cũng đã cam kết thực hiện đầy đủ các cam kết trong khuôn khổ COP26, đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Như vậy, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã trở thành một định hướng ưu tiên của Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới đây.

Từ ngày 1/1/2012, việc thực hiện Luật Thuế bảo vệ môi trường số 57/2010/QH12 đã đánh dấu sự thay đổi căn bản trong cách thức tiếp cận việc sử dụng các công cụ kinh tế nhằm BVMT tại Việt Nam. Bộ luật này được ban hành với mục tiêu đánh thuế vào các hàng hóa có tác động gây ô nhiễm môi trường khi sử dụng. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của con người đối với môi trường; huy động thêm nguồn lực cho NSNN để đầu tư cho các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội nói chung, trong đó có mục tiêu BVMT đồng thời khuyến khích sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả.

Về thuế TNDN, các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và các hoạt động BVMT được hưởng mức thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm, miễn thuế tối đa 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa 9 năm.

Về thuế xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, xử lý môi trường và sản xuất sạch có thể được miễn hoặc giảm thuế đối với các máy móc, thiết bị, linh kiện phục vụ cho dự án đầu tư theo quy định của Luật Thuế xuất nhập khẩu.

Thêm vào đó, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12 áp dụng mức thuế suất thuế TTĐB đối với xe ô tô điện và ô tô chạy bằng năng lượng sinh học thấp hơn so với xe ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Ngoài các ưu đãi về thuế, theo Nghị định 40/2019/NĐ-CP, doanh nghiệp có thể nhận hỗ trợ tài chính từ Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam cho các dự án đầu tư vào công nghệ sạch, năng lượng tái tạo và giảm phát thải CO2. Đồng thời, doanh nghiệp còn có cơ hội hưởng các chính sách tài chính, tín dụng xanh như trái phiếu xanh và cổ phiếu phát triển bền vững, giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh và duy trì sự ổn định trong giá cổ phiếu.

Trên đây là một số giải pháp tiên phong trong quá trình hoàn thiện hệ thống chính sách thuế, phí vì mục tiêu BVMT, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở Việt Nam.

II. Hoàn thiện chính sách thuế cho phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam

Theo chia sẻ của PGS.TS Phạm Tiến Đạt - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing - tại buổi trao đổi với phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam, để đạt được mục tiêu trên, cần:
  • Nghiên cứu áp dụng thuế các-bon tại Việt Nam. Nguồn thu từ thuế các-bon nên được tái đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo và hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi sang các hoạt động bền vững hơn.
  • Cải thiện các quy trình hành chính liên quan đến việc tiếp cận các ưu đãi thuế, từ đó thúc đẩy đầu tư vào các giải pháp bền vững.
  • Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục ưu đãi thuế, xây dựng khung pháp lý rõ ràng và thiết lập lộ trình tăng thuế hợp lý.
  • Với những cải cách này, chính sách thuế sẽ không chỉ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững mà còn góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường, phù hợp với các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu.

Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc bài viết này. Hy vọng bạn đã có được những thông tin bổ ích. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều thông tin cũng như cơ hội việc làm tại AGS nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Nguồn: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chinh-sach-thue-tao-dong-luc-cho-phat-trien-kinh-te-xanh-ben-vung-167126-167126.html
https://petrovietnam.petrotimes.vn/bai-5-can-xay-dung-to-ng-the-chinh-sach-thue-xanh-de-ho-tro-doanh-nghiep-phat-trien-xanh-715596.html
Next Post Previous Post