Tài chính xanh: Xu hướng và cơ hội cho các doanh nghiệp

Công ty Kế toán AGS Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và cung cấp dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, Thuế, Tư vấn quản lý, chuyển đổi và tái cơ cấu doanh nghiệp. Trong bài viết này công ty AGS sẽ chia sẻ về chủ đề Tài chính xanh và giải pháp phát triển bền vững. Bài viết sẽ chia sẻ về kiến thức về tài chính xanh và những biện pháp giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Bài viết đặc biệt hữu ích cho các chủ doanh nghiệp, giám đốc tài chính (CFO), kế toán viên cũng như những người đang tìm hiểu về quản lý tài chính doanh nghiệp. AGS muốn chia sẻ về chủ đề này bởi vì hướng đến phát triển bền vững là một vấn đề mà bất kỳ người chủ doanh nghiệp nào trong quá làm việc đều mong muốn. Cùng tìm hiểu kĩ hơn về chủ đề này qua bài viết dưới đây nhé.

I. Tài chính xanh và phát triển bền vững

Green Finance


Tài chính xanh là xu hướng đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia trên toàn thế giới nhằm thúc đẩy hành trình xanh hóa nền kinh tế. Tại Việt Nam, tài chính xanh là tiền đề trong việc triển khai chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Những năm gần đây, doanh nghiệp Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh, sử dụng các nguồn năng lượng sạch và có thể tái tạo, thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính làm chiến lược, lợi thế cạnh tranh với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Với bối cảnh tác động biến đổi khí hậu diễn ra trên toàn cầu ngày càng phức tạp, là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, xếp hạng 127 trong số 182 quốc gia, do đó, Việt Nam đặc biệt quan tâm đến vấn đề tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Tài chính xanh được xem là giải pháp quan trọng, góp phần vào quá trình phát triển bền vững của nền kinh tế.

Tại Việt Nam, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tập trung vào 3 nhiệm vụ chiến lược gồm: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; xanh hóa sản xuất; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Chính phủ đã ban hành khung pháp lý, chiến lược phát triển thị trường tài chính xanh và một số nghị định triển khai, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có thông tư khuyến khích để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Phát triển tài chính xanh ở Việt Nam là hướng đi đúng đắn trong chiến dịch tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, song lộ trình còn nhiều thách thức, đó là nhận thức về tài chính xanh còn hạn chế; chính sách, luật pháp còn thiếu hoặc chưa hỗ trợ hiệu quả việc phát triển tài chính xanh. Bên cạnh đó, sản phẩm tài chính xanh tại các doanh nghiệp và ngân hàng còn thiếu phong phú, gặp nhiều khó khăn khi triển khai; chưa có tính sẵn sàng; nguồn tài chính hỗ trợ cho các dự án xanh, sản phẩm xanh còn eo hẹp. Vì vậy, nâng cao nhận thức và hiểu biết về tài chính xanh trong phát triển bền vững tại các tổ chức tín dụng (TCTD), doanh nghiệp... đồng thời xác định những cơ hội và thách thức trong quá trình áp dụng tại Việt Nam là điều cần thiết.

II. Thực trạng tài chính xanh doanh nghiệp tại Việt Nam

Trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang hướng tới sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường trước diễn biến ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang thực hiện các mục tiêu nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Chính phủ Việt Nam tăng cường khuyến khích doanh nghiệp phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo cơ chế phân bổ tài nguyên và nguồn lực bình đẳng, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc giám sát phân bổ tài nguyên và nguồn lực. Trong đó, tài chính xanh giúp các quốc gia đạt được mục tiêu phát triển bền vững, đến nay, thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đã định hình nền tảng và phát triển với 3 cấu phần gồm: Thị trường tín dụng xanh; thị trường cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh.

1. Về thị trường tín dụng xanh

Tín dụng xanh hiện nay đang là xu hướng trong ngành Ngân hàng và tài chính toàn cầu, các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam cũng đi theo xu hướng này. Tín dụng xanh là loại hình tín dụng do ngân hàng cung cấp cho các dự án được coi là thân thiện với môi trường hoặc bảo vệ hệ sinh thái. Ngành Ngân hàng là kênh tài chính quan trọng cho nền kinh tế thực hiện xanh hóa dòng vốn đầu tư

phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững. Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Đồng thời, NHNN cũng đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy tín dụng xanh, trong đó tăng cường hỗ trợ TCTD phát hành trái phiếu xanh, tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế, tham gia những chương trình hợp tác tài chính xanh.

Hiện nay, nhiều TCTD đã đưa ra các gói và chương trình tín dụng xanh phù hợp với nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh. Một số NHTM cổ phần trong chiến lược kinh doanh hằng năm tiếp tục tập trung triển khai các hoạt động kinh doanh gắn với chiến lược số hóa và xanh hóa. Các ngân hàng xây dựng danh mục sản phẩm tín dụng xanh đa dạng, tập trung vào ô tô điện, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và đã triển khai thí điểm dự thảo Sách trắng về mục tiêu trung hòa carbon tại các đơn vị kinh doanh.

Trước những tác động ngày càng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, việc phát triển bền vững cùng với bảo vệ môi trường đang trở thành xu hướng phát triển đặc trưng của các quốc gia trên thế giới. Trong mối liên kết đặc thù giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, ngân hàng đóng vai trò như một mắt xích trung gian, tác động gián tiếp đến môi trường thông qua hoạt động của khách hàng. Với định hướng, chỉ đạo từ Chính phủ, NHNN và sự nỗ lực của các ngân hàng, tín dụng xanh đang có những chuyển biến tích cực, nhận được nhiều sự quan tâm với hạn mức đầu tư ngày càng cao.

2. Về thị trường cổ phiếu xanh

Cổ phiếu xanh là cổ phiếu của các công ty tập trung vào sản phẩm, dịch vụ hoặc công nghệ thân thiện với môi trường. Các công ty hướng đến mục tiêu giảm thiểu tác động môi trường và đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Các lĩnh vực chính trong cổ phiếu xanh bao gồm năng lượng tái tạo (mặt trời, gió, thủy điện, địa nhiệt và sinh khối), hiệu quả năng lượng (lưới điện thông minh, đèn LED, lưu trữ năng lượng), xe điện và phương tiện giao thông (ô tô điện, cơ sở hạ tầng sạc, xe buýt và xe tải điện, xe đạp và xe tay ga điện), nông nghiệp và thực phẩm bền vững (nông nghiệp hữu cơ, nuôi trồng thủy sản, thịt thực vật và thịt nuôi cấy), tái chế và quản lý chất thải, xử lý nước và nước thải, xây dựng và xây dựng xanh.

Tại Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các sở giao dịch chứng khoán, Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD)... đã hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin và minh bạch hóa các hoạt động về tài chính xanh; khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán thực hiện báo cáo tài chính, báo cáo thường niên đề cập đến phát triển bền vững, phát triển xanh.

"Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững, là trụ cột chính trong xây dựng thị trường vốn xanh, bền vững, góp phần huy động vốn trung và dài hạn cho các dự án năng lượng tái tạo, công nghệ sạch và các dự án bảo vệ môi trường khác", ông Tô Trần Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

3. Về thị trường trái phiếu xanh

Khoản 1 Điều 21 Nghị định 95/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ quy định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán quy định về trái phiếu xanh như sau: Trái phiếu xanh là một loại trái phiếu chính phủ được phát hành để đầu tư cho các dự án liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường (dự án xanh) và nằm trong danh mục dự án được phân bổ vốn đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước. Tại Việt Nam, khung pháp lý về phát hành trái phiếu chính phủ xanh, trái phiếu chính quyền địa phương xanh và trái phiếu doanh nghiệp xanh đã được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Khung pháp lý này quy định về trái phiếu xanh, các dự án được cấp tín dụng xanh và phát hành trái phiếu xanh, chủ thể phát hành, quy định về sử dụng nguồn tiền thu được và chế độ công bố thông tin.

Trái phiếu xanh đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững thông qua huy động vốn cho các dự án và hoạt động thân thiện với môi trường. Tại Việt Nam, thị trường trái phiếu xanh còn non trẻ nhưng đang dần được đẩy mạnh phát triển nhằm thu hút đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn 2050 từ năm 2021, nhưng việc phân bổ nguồn lực cho bảo vệ môi trường vẫn còn rất hạn chế, đặc biệt là khi sử dụng trái phiếu xanh làm kênh huy động vốn. Nhu cầu huy động vốn từ phát hành trái phiếu xanh phục vụ cho các dự án bảo vệ môi trường là rất lớn, tuy nhiên việc phát hành trái phiếu xanh ở Việt Nam vẫn còn hạn chế, theo thống kê chỉ có 19 trái phiếu xanh được phát hành từ năm 2018 đến năm 2023.

Tại Việt Nam, trên thị trường có các sản phẩm trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương phục vụ cho các dự án/công trình xanh như thủy lợi, bảo vệ môi trường, điện gió, năng lượng mặt trời…

III. Giải pháp phát triển tài chính xanh cho doanh nghiệp nhằm phát triển bền vững tại Việt Nam

Thúc đẩy dòng vốn xanh là yếu tố then chốt để hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững quốc gia của Việt Nam. Để phát triển thị trường tài chính xanh cho doanh nghiệp tại Việt Nam trong thời gian tới, một số giải pháp được đề xuất như sau:

Một là, Chính phủ cần xây dựng và thiết lập khung chính sách tài chính xanh tích hợp, bao gồm tín dụng, tái cấp vốn, chính sách tài khóa và tài chính cho khu vực tư nhân, ngân hàng và tài chính xanh, cũng như thị trường vốn để chuyển dòng vốn vào nền kinh tế xanh và các chương trình biến đổi khí hậu. Việt Nam đã xây dựng chiến lược và thành lập ban chỉ đạo quốc gia để tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, cần xây dựng khung chính sách, công cụ và sản phẩm tài chính xanh để dòng vốn được phân luồng phù hợp và đầy đủ.

Hai là, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng để thực hiện các quy định một cách hiệu quả và nhất quán, cần phải nâng cao năng lực và kiến thức của các nhà hoạch định chính sách và những bên liên quan về các sản phẩm tài chính xanh, đồng thời tạo ra một môi trường đủ thuận lợi cho các chủ thể phát hành, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư và phát triển dự án tài chính xanh.

Ba là, Chính phủ và các cơ quan, ban, ngành cần xây dựng theo hướng tăng cường nỗ lực khí hậu, thúc đẩy đầu tư xanh, giảm dần hoặc loại bỏ về thuế, phí hay ưu đãi thuế, phí đối với những ngành, nghề, lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro môi trường, tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước hình thành một hệ sinh thái kinh tế xanh toàn diện.

Bốn là, NHNN sớm ban hành các văn bản, hướng dẫn cụ thể nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý để thúc đẩy nguồn tài chính xanh. NHNN cần rà soát những quy định về tín dụng xanh theo hướng cụ thể và tăng cường các yếu tố tạo động lực cho các TCTD khi cung cấp tín dụng xanh. Hệ thống các NHTM cần cam kết đồng hành cùng khách hàng trong quá trình chuyển đổi sang mục tiêu phát triển bền vững; xây dựng danh mục sản phẩm toàn diện từ huy động vốn, tín dụng xanh, triển khai gói tài chính xanh với lãi suất và phí ưu đãi cho các dự án mang lại lợi ích về môi trường và xã hội.

Năm là, các doanh nghiệp cần chủ động thực hành quản trị xanh, hướng tới việc tạo ra các sản phẩm có tác động đến xã hội cũng như môi trường. Doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận nguồn tín dụng xanh từ các định chế tài chính trong nước và quốc tế, lãnh đạo doanh nghiệp rất linh hoạt đổi mới tư duy, chủ động tìm kiếm các nguồn tài chính xanh trên thị trường.

Tài chính xanh đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững bằng cách huy động nguồn tài chính cho các dự án bền vững về mặt môi trường ở mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, phát triển tài chính xanh là một trong những định hướng được Nhà nước, Chính phủ đề ra nhằm thúc đẩy các dự án bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất xanh trong doanh nghiệp, qua đó giúp Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chiến lược trong việc xanh hóa hoạt động kinh doanh, đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ xanh và tăng cường trách nhiệm xã hội. Điều này vừa tạo ra thế mạnh trong cạnh tranh của doanh nghiệp, vừa hướng tới mục tiêu chung của xã hội là phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

Nguồn: https://tapchinganhang.gov.vn/tai-chinh-xanh-doanh-nghiep-giai-phap-phat-trien-ben-vung-tai-viet-nam-15539.html 

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Next Post Previous Post