Doanh Nghiệp Chế Xuất Có Được Thành Lập Chi Nhánh Trong Nước Không?

Công ty TNHH Kế toán AGS Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và cung cấp dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, Thuế, Tư vấn quản lý, chuyển đổi và tái cơ cấu doanh nghiệp.

Doanh nghiệp chế xuất đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, với nhiều ưu đãi về thuế và chính sách. Tuy nhiên, một câu hỏi thường gặp là liệu doanh nghiệp chế xuất có thể thành lập chi nhánh trong nước hay không? Việc mở rộng hoạt động bằng cách thành lập chi nhánh có thể giúp doanh nghiệp phát triển, nhưng đồng thời cũng phải tuân thủ các quy định pháp lý nhất định. Nếu không nắm rõ, doanh nghiệp có thể gặp phải những rủi ro như mất ưu đãi thuế hoặc vi phạm quy định quản lý. Trong bài viết này, AGS sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các quy định pháp luật liên quan đến việc doanh nghiệp chế xuất thành lập chi nhánh trong nước, từ điều kiện cần thiết đến thủ tục pháp lý cần thực hiện.

Cùng tìm hiểu kĩ hơn về chủ đề này qua bài viết dưới đây nhé!

1. Quy định riêng áp dụng đối với khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất

Căn cứ Điều 26 Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về về các quy định riêng áp dụng cho doanh nghiệp chế xuất như sau:
Quy định riêng áp dụng đối với khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất
...
6. Doanh nghiệp chế xuất được thực hiện các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan và đảm bảo đáp ứng các điều kiện sau đây:
    a) Việc bố trí khu vực lưu giữ hàng hóa phục vụ hoạt động chế xuất phải bảo đảm ngăn cách với khu vực lưu giữ hàng hóa phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác;
    b) Hạch toán riêng doanh thu, chi phí liên quan đến hoạt động chế xuất và các hoạt động kinh doanh khác;
    c) Không được sử dụng tài sản, máy móc thiết bị được hưởng ưu đãi về thuế áp dụng đối với doanh nghiệp chế xuất để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh khác. Trường hợp sử dụng tài sản, máy móc thiết bị được hưởng ưu đãi về thuế áp dụng đối với doanh nghiệp chế xuất để thực hiện các hoạt động kinh doanh khác thì phải hoàn trả ưu đãi về thuế đã được miễn, giảm theo quy định của pháp luật về thuế.

7. Doanh nghiệp chế xuất được thành lập chi nhánh theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp để thực hiện hoạt động chế xuất. Chi nhánh của doanh nghiệp chế xuất được áp dụng cơ chế đối với doanh nghiệp chế xuất quy định tại Điều này nếu thực hiện hoạt động chế xuất trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế và đáp ứng các điều kiện tại khoản 2 Điều này.

8. Trong khu công nghiệp, khu kinh tế có doanh nghiệp chế xuất và được áp dụng cơ chế đối với doanh nghiệp chế xuất nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.

9. Trong khu chế xuất có doanh nghiệp chuyên sản xuất và cung ứng dịch vụ cho sản xuất công nghiệp.
...
Từ quy định trên thì doanh nghiệp chế xuất được phép thành lập chi nhánh (bao gồm chi nhánh trong nước và chi nhánh nước ngoài) theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp để thực hiện một số hoạt động chế xuất.

Cũng theo quy định này, chi nhánh của doanh nghiệp chế xuất được áp dụng cơ chế đối với doanh nghiệp chế xuất quy định tại Điều 26 Nghị định 35/2022/NĐ-CP  nếu thực hiện hoạt động chế xuất trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế và đáp ứng các điều kiện tại khoản 2 Điều này.

2. Giấy tờ để doanh nghiệp chế xuất thành lập chi nhánh trong nước

Như đã nêu trên thì chi nhánh của doanh nghiệp chế xuất được thành lập theo pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp. Theo đó, có thể dựa theo Điều 45 Luật Doanh nghiệp 2020  quy định về việc thành lập chi nhánh trong nước như sau:
Đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp; thông báo địa điểm kinh doanh

1. Doanh nghiệp có quyền thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện ở trong nước và nước ngoài. Doanh nghiệp có thể đặt một hoặc nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện tại một địa phương theo địa giới đơn vị hành chính.

2. Trường hợp thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện trong nước, doanh nghiệp gửi hồ sơ đăng ký hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện đến Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt chi nhánh, văn phòng đại diện. Hồ sơ bao gồm:
    a) Thông báo thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện;
    b) Bản sao quyết định thành lập và bản sao biên bản họp về việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp; bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện.
...
Bên cạnh đó, tại Điều 31 Nghị định 01/2021/NĐ-CP cũng quy định về hồ sơ thành lập chi nhánh như sau:
Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, thông báo lập địa điểm kinh doanh

1. Hồ sơ đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện
Doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện. Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây:
    a) Thông báo thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký;
    b) Bản sao nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần; nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện;
    c) Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện.
...
Từ các quy định nêu trên thì doanh nghiệp chế xuất cần chuẩn bị các giấy tờ sau cho hồ sơ đăng ký thành lập chi nhánh trong nước:
(1) Thông báo thành lập chi nhánh do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chế xuất ký;
(2) Bản sao quyết định thành lập và bản sao biên bản họp về việc thành lập chi nhánh.
(3) Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đứng đầu chi nhánh.


3. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh trong nước của doanh nghiệp chế xuất được cấp trong thời hạn bao nhiêu ngày kể từ ngày nộp hồ sơ?

Cũng tại Điều 45 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh trong nước như sau:
Đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp; thông báo địa điểm kinh doanh
...
3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho doanh nghiệp. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện thì phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp và nêu rõ lý do.
...
Theo quy định vừa nêu thì trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh cho doanh nghiệp chế xuất.
Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánhthì phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp và nêu rõ lý do.

Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc bài viết này. Hy vọng bạn đã có được những thông tin bổ ích. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều thông tin cũng như cơ hội việc làm tại AGS nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/phap-luat/doanh-nghiep-che-xuat-co-duoc-thanh-lap-chi-nhanh-trong-nuoc-theo-quy-dinh-phap-luat-hien-nay-khong-73602.html
Next Post Previous Post