Khi vay vốn ngân hàng, khách hàng thường được tư vấn mua thêm bảo hiểm khoản
vay. Thậm chí, vì áp lực KPI, nhiều nhân viên ngân hàng còn nói rằng việc mua
loại bảo hiểm này là theo quy định của pháp luật. Vậy thực chất bảo hiểm khoản
vay là gì? Đây có phải là một khoản bảo hiểm bắt buộc không? Hãy cùng tìm hiểu
trong bài viết dưới đây nhé.
Q1: Bảo hiểm khoản vay là gì?
A1:
Bảo hiểm khoản vay là một sản phẩm bảo hiểm được thiết kế nhằm đảm bảo khả
năng thanh toán cho khoản vay của khách hàng trong trường hợp khách hàng mất
khả năng trả nợ. Trong trường hợp khách hàng bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn
dẫn đến mất khả năng tạo ra thu nhập để trả nợ, thì khoản nợ vẫn tiếp tục tồn
tại và không bị chấm dứt cho đến khi khoản vay được trả đầy đủ.
Ngoài ra, trong trường hợp khách hàng qua đời, thì nghĩa vụ trả nợ sẽ chuyển
sang cho những người thừa kế của khách hàng trong phạm vi di sản thừa kế bởi
theo khoản 8 Điều 658 Bộ luật Dân sự 2015 “các khoản nợ đối với cá nhân,
pháp nhân” là một trong những nghĩa vụ tài sản liên quan đến thừa kế cần
được thanh toán.
Tuy nhiên, trong tất cả những trường hợp này, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ thay
mặt khách hàng hoặc người thân của khách hàng thanh toán các khoản nợ mà
khách hàng đã vay tại ngân hàng.
Q2: Có những loại bảo hiểm khoản vay nào?
A2:
Có 2 loại bảo hiểm khoản vay là:
- Bảo hiểm khoản vay tín chấp: Là hình thức bảo hiểm đảm bảo tính mạng và quyền lợi của người vay khi họ không thể trả tiền cho ngân hàng. Do trong vay tín chấp, không có tài sản nào được sử dụng để đảm bảo việc trả tiền nên rủi ro về phía ngân hàng sẽ rất lớn. . Vì vậy, để giảm thiểu rủi ro, ngân hàng sẽ yêu cầu người vay mua bảo hiểm cho khoản vay tín chấp, bao gồm bảo hiểm thân thể (đảm bảo tính mạng của người vay trong trường hợp xảy ra tai nạn hoặc bất kỳ sự cố gì dẫn đến thương tật hoặc tử vong) và bảo hiểm thất nghiệp (giúp người vay trang trải chi phí trong thời gian tạm ngừng công việc hoặc mất việc làm).
- Bảo hiểm khoản vay thế chấp: Khác với vay tín chấp, vay thế chấp là một hình thức vay tiền mà người vay phải cung cấp tài sản làm bảo đảm trong quá trình vay. Nếu người vay đăng ký bảo hiểm khoản vay, thì khi xảy ra những tình huống không may dẫn đến việc không thể thanh toán được khoản nợ, gói bảo hiểm này sẽ giúp bảo vệ tài sản cho người vay.
Q3: Mức phí bảo hiểm khoản vay được tính như thế nào?
A3:
Tùy từng ngân hàng và khoản tiền theo nhu cầu vay của khách hàng mà mức phí
bảo hiểm khoản vay sẽ khác nhau. Cụ thể, ta có công thức tính phí bảo hiểm
khoản vay như sau:
Phí bảo hiểm khoản vay = Mức phí bảo hiểm khoản vay x Tổng số tiền vay
của hợp đồng
Thông thường, mức phí bảo hiểm sẽ được tính dựa trên khoản vay được ngân
hàng hoặc tổ chức giải ngân, dao động từ 3 - 6% tùy từng ngân hàng, tổ chức.
Ví dụ: Một khách hàng vay 300 triệu tại ngân hàng với mức bảo hiểm khoản vay
5% thì phí bảo hiểm sẽ được xác định như sau:
300 triệu đồng x 5% = 15 triệu đồng
Tiền phí bảo hiểm sẽ được ngân hàng trừ trực tiếp vào khoản vay khi giải
ngân hoặc sẽ được cộng thêm vào số nợ gốc.
Q4: Có bắt buộc phải mua bảo hiểm khoản vay khi vay tiền ngân hàng không?
A4:
Theo quy định tại Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, các loại bảo
hiểm bắt buộc chỉ bao gồm:
- Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới;
- Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc;
- Bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng;
- Bảo hiểm bắt buộc quy định tại luật khác đáp ứng mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội.
Hơn nữa, Thông tư số 37/2019/TT-NHNN cũng không có quy định nào bắt buộc về
việc mua bảo hiểm khoản vay. Do đó, việc có mua bảo hiểm khoản vay hay không
là thỏa thuận giữa khách hàng và ngân hàng, là hoàn toàn tự nguyện dựa trên
nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng chứ không phải là quy định bắt
buộc của pháp luật.
Q5: Ép khách hàng mua bảo hiểm khoản vay có bị phạt không?
A5:
Việc ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn là hành vi vi phạm pháp luật về
kinh doanh bảo hiểm. Do đó, nếu vi phạm, ngân hàng có thể bị phạt vi phạm
hành chính theo
điểm đ khoản 2 Điều 17 Nghị định 98/2013/NĐ-CP, sửa bởi Nghị định
48/2018/NĐ-CP
như sau:
2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:đ) Ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.
Như vậy, nếu ép khách hàng mua bảo hiểm khoản vay, ngân hàng có thể bị phạt
từ 40 - 50 triệu đồng.
Hi vọng qua bài viết này, các bạn đã phần nào hiểu rõ hơn những vấn đề xoay
quanh bảo hiểm khoản vay, giúp cho quá trình vay tiền tại ngân hàng trở nên
thuận lợi, dễ dàng hơn.