Những khía cạnh cần có của nhà lãnh đạo

2024/04/22

Kỹnăng_Cánhân Kỹnăng_Quảnlý-Lãnhđạo

Kỹ năng lãnh đạo không chỉ là một đặc điểm tự nhiên mà còn là một kỹ năng có thể được phát triển và hoàn thiện. Trong một thế giới đầy cạnh tranh và thay đổi nhanh chóng, việc trở thành một người lãnh đạo hiệu quả không chỉ là một ước mơ, mà còn là một yếu tố quan trọng để thành công trong công việc và cuộc sống. Trên hành trình khám phá kỹ năng lãnh đạo, chúng ta sẽ tìm hiểu về các khía cạnh quan trọng của việc trở thành một người lãnh đạo xuất sắc

I. Một số kỹ năng quan trọng mà một nhà lãnh đạo tương cần phải có

1. Kỹ năng lãnh đạo

Đây là một kỹ năng không thể thiếu của một nhà quản lý. Lãnh đạo giỏi được thử thách qua sự thành công trong việc thay đổi hệ thống và con người. Thuật ngữ “lãnh đạo” đang được sử dụng ngày càng nhiều hơn khi nhắc đến vai trò của người quản lý vì chức năng của lãnh đạo là xử lý thay đổi. Người quản lý cần phải lãnh đạo giỏi để thay đổi sản phẩm, hệ thống và con người một cách năng động. Nhà lãnh đạo giỏi phải là người thúc đẩy quá trình quyết định một vấn đề và trao cho nhân viên của họ quyết định vấn đề đó. Nếu bạn là một nhà lãnh đạo giỏi, quyền lực sẽ tự đến với bạn, nhưng bạn cũng phải biết khai thác quyền lực của những người khác. Bạn phải thúc đẩy quá trình quyết định và làm cho quá trình đó hoạt động. Đó là một bài toán khó.

2. Kỹ năng lập kế hoạch

Nhà quản lý là người ra quyết định và toàn bộ bộ máy của công ty sẽ hành động theo quyết định đó. Nghĩa là quyết định của nhà quản lý ảnh hưởng rất lớn tới vận mệnh của doanh nghiệp. Một kế hoạch sai lầm rất có thể sẽ đưa đến những hậu quả khó lường.Vì vậy kỹ năng lập kế hoạch rất quan trọng để đảm bảo cho nhà quản lý có thể đưa ra những kế hoạch hợp lý và hướng toàn bộ nhân viên làm việc theo mục tiêu của kế hoạch đã định. Khi kế hoạch được hoàn thành, nhà quản lý phải chuyển tải thông tin kế hoạch cho cấp trên và cấp dưới để tham khảo ý kiến. Trong suốt quá trình thực hiện kế hoạch, người quản lý sẽ cần đến những công cụ giải quyết vấn đề và khi cần thiết, phải ra và thực thi các quyết định trong quyền hạn của mình.

3. Kỹ năng giải quyết vấn đề

Quá trình giải quyết vần đề có thể được tiến hành qua các bước sau: nhận diện vấn đề, tìm nguyên cớ của vấn đề, phân loại vấn đề, tìm giải pháp và lựa chọn giải pháp tối ưu. Một nhà quản lý giỏi sẽ tiến hành quá trình này một cách khoé léo và hiệu quả.

4. Kỹ năng giao tiếp tốt

Càng ngày người ta càng nhận ra sức mạnh của các mối quan hệ, cái mà có được từ một kỹ năng giao tiếp tốt. Bạn phải thành thạo giao tiếp bằng văn nói và cả văn viết. Bạn phải biết cách gây ấn tượng bằng giọng nói, ngôn ngữ cơ thể, đôi mắt và cách diễn đạt dễ hiểu, thuyết phục. Các bản hợp đồng ngày nay có được phụ thuộc rất nhiều vào khả năng thương thuyết. Khả năng giao tiếp tốt cũng phát huy tác dụng trong quản lý nhân sự. Một chuyên gia về nhân sự đã từng kết luận rằng tiền có thể mua được thời gian chứ không mua được sự sáng tạo hay lòng say mê công việc. Mà mức độ sáng tạo hay lòng say mê công việc lại phụ thuộc vào khả năng tạo động lực cho nhân viên để khẳng định lòng trung thành và sự cam kết của người lao động không thể có được bằng việc trả lương cao. Thực tế là mức lương cao và một văn phòng đầy đủ tiện nghi chỉ là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ để nhà quản lý có thể giữ một nhân viên tốt.

Nếu bạn là một nhà quản lý và bạn nhận ra là mình không có đầy đủ các kỹ năng cần thiết trên thì cũng không có gì phải lo lắng. Hãy học hỏi từ những chuyên gia cho dù bạn sẽ cảm thấy dường như vị trí của mình thay đổi từ một nhà lãnh đạo thành một người học việc. Tóm lại, để trở nên người quản lý hiệu quả , chúng ta cần xác định được công việc của một người quản lý phải làm để đạt được các much tiêu của tổ chức, cùng với và thông qua các cá nhân.

II. Phẩm chất cần có của người lãnh đạo

Để trở thành người lãnh đạo, bạn cần phải trải qua một thời gian dài được rèn luyện những phẩm chất cần có và học tập kinh nghiệm từ những người đi trước. Thế nhưng, nhiều người trong chúng ta thường xem nhẹ điều đó và cứ giữ mãi quan niệm chủ quan khi cho rằng họ sinh ra là để làm người đứng đầu. Một người lãnh đạo thật sự cần phải có tư thế đĩnh đạc, sự tự tin, khả năng thuyết phục người khác… Câu hỏi lớn được đặt ra là làm thế nào bạn có thể hội tụ đủ những phẩm chất đó?

1. Tầm nhìn xa

Một người lãnh đạo có vai trò quan trọng hơn một cá nhân rất nhiều. Anh ta dường như luôn biết cách hoạch định tốt mọi công việc và là người cung cấp những lời khuyên hữu ích nhất cho những cộng sự hay thuộc cấp của mình.

Không chỉ có một tầm nhìn xa, anh ta còn biết cách truyền đạt những ý tưởng của mình cho người khác hiểu để cùng với mình thực hiện tốt những ý tưởng đó. Những thông điệp được truyền đi phải luôn sinh động, rõ ràng và có sức thuyết phục cao. Do đó, sự thành thạo trong khả năng giao tiếp bằng lời nói luôn là phẩm chất cần có của một người lãnh đạo giỏi.

Trong khi mọi người đều bị thuyết phục bởi tài năng của người lãnh đạo, họ thường không nhận ra rằng tài năng đó chỉ đóng vai trò bổ trợ cho những kinh nghiệm mà anh ta có thể tiếp thu từ thực tiễn công việc: khả năng lên kế hoạch và thiết lập mục tiêu cần đạt được. Anh ta là người luôn có những giải pháp để giải quyết mọi khó khăn trong những tình huống nan giải nhất bởi vì, anh ta đã nhìn rõ bản chất của sự việc ngay cả trước khi khi bạn chỉ mới bắt đầu nghĩ về nó.

2. Sự tự tin

Một người lãnh đạo thật sự phải luôn có lòng tin vào chính mình. Thông thường, sự tự tin này hình thành từ sự thật là bất cứ một người lãnh đạo nào cũng đã từng trải qua thời gian dài rèn luyện những kỹ năng trong công việc, tích lũy vốn kiến thức rộng cùng với sự thông minh sẵn có của anh ta. Bên cạnh đó, cho dù không có những kỹ năng, kinh nghiệm kia thì anh ta cũng là người biết nhận thức, học hỏi điều đó từ những người khác.

3. Tính kiên định

Một người lãnh đạo mạnh mẽ cần phải có lập trường vững vàng trong các quyết định của mình. Tuy nhiên, điều này không bao gồm những tư tưởng bảo thủ, ngoan cố không biết sửa chữa những sai lầm. Hơn nữa, anh ta phải biết nghiêng về lẽ phải trong việc phân xử các xung đột trong nội bộ của mình.

4. Biết chấp nhận mạo hiểm

Nhiều người không dám mạo hiểm bởi vì họ sợ phải nhận lấy thất bại. Tuy nhiên, nếu bạn là một người lãnh đạo có tham vọng, bạn cần phải tự hỏi chính mình rằng liệu sự mạo hiểm đó có đáng giá hay không?
Nếu cảm thấy sự liều lĩnh của mình là đáng bõ công, bạn cần biết vượt qua rào cản tâm lý lo sợ, e ngại và dũng cảm đương đầu với thử thách. Nếu thử thách là quá khó, hãy dành thời gian cho việc lên kế hoạch “tác chiến”, càng có nhiều sự chuẩn bị, mức độ mạo hiểm trong tình huống của bạn càng được giảm bớt.

5. Sự kiên trì

Người lãnh đạo không bao giờ đầu hàng khó khăn khi chưa thật sự đối đầu với nó. Mọi thứ không phải luôn luôn dễ dàng đối với bạn và bởi vì bạn là người đứng đầu nên bạn cần biết thử trải nghiệm thật nhiều cho đến khi nào thành công thì thôi.

6. Sự quả quyết

Là người đứng đầu, bạn được trông chờ trong việc đưa ra những quyết định quan trọng trong khi những người khác thường cố gắng tránh xa nó. Cho dù những quyết định này đôi khi sẽ tạo ra những tác động lớn ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa bạn và những người xung quanh mình thì bạn cũng phải chấp nhận điều đó.
Sự cả nể, nhân nhượng trong cách đưa ra quyết định có thể dẫn bạn đến những sai lầm khi tạo tiền lệ xấu dẫn đến việc làm mất đi cái “uy” trong vị thế là người lãnh đạo của bạn. Đôi khi bạn cũng cần nhẫn tâm một chút trong việc sa thải một nhân viên nào đó vì hành động của anh ta gây tổn hại lớn đến lợi ích của công ty.

7. Sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân

Bạn có sẵn sàng để làm điều đó để công việc của mình tiến triển tốt hay không? Là một người đứng đầu một tập thể, bạn phải tốn rất nhiều thời gian và công sức để quản lý tốt những người dưới quyền và công việc của mình. Thậm chí, sự bận rộn đó còn chiếm cả những khoảng thời gian riêng tư dành cho bản thân và gia đình bạn.

8. Khả năng thích nghi

Phương thức kinh doanh có thể hiệu quả trong hôm nay nhưng ngày mai thì nó lại khác. Một người lãnh đạo có tài cần phải nhận thức được điều đó và phải biết thức thời trong việc thích nghi và chấp nhận thay đổi. Anh ta phải luôn cập nhật những kỹ năng, công nghệ và phương pháp mới để thúc đẩy sự phát triển trong công việc của mình.

Để trở thành một nhà lãnh đạo tài năng thật không dễ dàng chút nào. Nó đòi hỏi bạn phải thật sự yêu thích công việc của mình cùng với những công sức và sự nỗ lực không ngơi nghỉ để có thể hội tụ được những phẩm chất cần có của người lãnh đạo. Hãy tự hỏi mình vì sao những người khác cần phải lắng nghe, tôn trọng và thực hiện theo sự điều động, hướng dẫn của bạn. Chắc chắn, bạn sẽ tìm thấy động lực để hoàn thành tốt vai trò của một người lãnh đạo. Xin chúc bạn thành công!

III. Những tố chất cần có của một nhà lãnh đạo


Theo đúc kết của nhiều chuyên gia quốc tế, một số nhà lãnh đạo tài năng phải có những tố chất dưới đây:

1. Niềm say mê

Một nhà lãnh đạo hiệu quả là người luôn khát khao làm được điều gì đó đóng góp cho xã hội, hoặc chí ít là cho mình. Không có sự say mê, thi fmột nhà lãnh đạo sẽ không thể có được những quyết định táo bạo và tâm huyết.

2. Sự hiểu biết và tính ham học hỏi

Điều chắc chắn là, người lãnh đạo không thể điều hành tốt nếu họ không hiểu biết gì về lĩnh vực hoạt động của họ. Ngoài những kiến thức cơ bản trong lĩnh vực hoạt động của mình, nguời lãnh đạo còn phải đọc nhiều và luôn có tinh thần học hỏi để không ngừng nâng cao kiến thức, nhận biết và cập nhật những thông tin và tri thức mới.

3. Nhìn xa trông rộng 

Tố chất này khác với niềm say mê, song ở khía cạnh nào đó, nó lại không tách biệt khỏi niềm say mê. Nếu một người không quan tâm đến một đối tượng, một vấn đề, một hệ thống nào đó, thì người đó sẽ không chú tâm dành thời gian tìm hướng giải quyết. Tuy nhiên, người lãnh đạo, ngoài niềm say mê, còn phải có tầm nhìn, cách nhìn nhận và những ý tưởng nhất định trước những thay đổi, để từ đó vạch ra những biện pháp phù hợp.

4. Óc sáng tạo 

Người lãnh đạo luôn phải suy nghĩ để làm sao đưa ra những chiến lược thực hiện tầm nhìn một cách hiệu quả nhất. Trong bất cứ cong việc nào, cũng cần phát huy trí sáng tạo để thực hiện công việc nhanh nhất, hiệu quả nhất, chất lượng đảm bảo nhất.

5. Khả năng truyền đạt thông tin

Người lãnh đạo phải có khả năng diễn thuyết và truyền đạt thông tin để thuyết phục những người khác tin tưởng, nghe theo và làm theo.

6.Khả năng lập Kế hoạch và tổ chức

Người lãnh đạo là người luôn nhìn thấy những việc cần làm và có khả năng giúp tập thể lập kế hoạch và tổ chức việc thực hiện.

7.Khả năng làm việc theo nhóm

Người lãnh đạo cần phải có khả năng hoạt động cùng những người khác, biết lắng nghe, sống trung thực và cởi mở, biết sắp xếp và bố trí công việc cho nhân viên một cách khoa học và hợp lý, biết cách giải quyết và dàn xếp những mâu thuẫn nội bộ.

8. Tài xoay xở

Người lãnh đạo càn có nghị lực rất lớn. Khi khó khắn, họ không nản chí. Khi công việc xem ra quá khó, họ sẽ tìm cách tiếp cận khác. Họ luôn tìm kiếm các giải pháp cho vấn đề, đẻ từ đó lựa chọn hướng đi tối ưu

9. Lòng dũng cảm

Người lãnh đạo là người có một trong những công việc khắc nghiệt nhất. Giám đốc điều hành phải luôn xác định rõ, họ là đại diện cho ai và cần phải làm gì. Họ phải dũng cảm và cương quyết trong các vấn đề liên quan đến sự sinh tồn và phát triển của doanh nghiệp, như việc bổ nhiệm, sa thải…

10. Sẵn sàng chấp nhận rủi ro

Người lãnh đạo tài năng là người không trốn tránh trước thực tế giảm sút, biết lường trước những kịch bản xấu nhất có thể xảy ra với doanh nghiệp. Khi đó, họ cần có kế hoạch hỗ trợ.
Nguồn: https://www.uef.edu.vn/khoakinhte/tin-tuc-su-kien/nhung-to-chat-va-ky-nang-can-co-cua-nha-lanh-dao-1729

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ