Nagasaki - nơi giao lưu văn hóa Á-Âu

2024/06/04

Nhậtbản-Tỉnhthành NhậtBản-Vănhóa

I. Tổng quan

1. Vị trí

- Tỉnh Nagasaki nằm ở phía Tây Bắc của đảo Kyushu.
- Dân số: 1.293.954 người (tháng 1/2022)
- Diện tích: 4.130km2 (năm 2022)
- Đây là tỉnh có nhiều đảo nhất trên cả nước, riêng quần đảo Goto đã có khoảng 140 đảo.
- Đường bờ biển dài 4.183km (năm 2016), đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau Hokkaido. Chính vì thế nên ngành thủy sản rất phát triển ở đây.

2. Khí hậu

- Vì nằm ở miền nam với khí hậu cận nhiệt đới nên Nagasaki khá ấm áp và có nhiều mưa (trung bình tháng 6 có mưa nhiều nhất).
- Mùa nóng sẽ bắt đầu từ khoảng cuối tháng 6 và kết thúc khoảng cuối tháng 9. Tháng nóng nhất là tháng 8. Mùa lạnh từ đầu tháng 12 đến giữa tháng 3 và tháng lạnh nhất là tháng 1.

3. Biểu tượng của tỉnh

- Cây: cây gỗ thông Nhật Hinoki
Hinoki là một loại cây gỗ đẹp và quý hiếm ở Nhật Bản, đặc biệt vào mùa đông sẽ không rụng lá.
- Hoa: hoa trà và hoa đỗ quyên
Hoa trà: có khoảng 200 loại (đỏ, trắng, hồng…). Ở Nagasaki có rất nhiều hoa trà, đặc biệt hoa trà ở đảo Goto rất nổi tiếng.
Hoa đỗ quyên: đây là một loại hoa khá dễ trồng và ít bệnh, thế nên chúng được trồng ở nhiều nơi như công viên, vườn nhà, xung quanh xưởng, ven đường, giữa con lươn trên đường,...Đây được chọn  hoa tỉnh là bởi vì có rất nhiều hoa đỗ quyên ở núi Unzen, nổi tiếng với “Miyamaki rishima” (có nghĩa là hoa đỗ quyên mọc sâu trong núi), hay còn gọi là “Unzen tsutsuji” (tsutsuji là hoa đỗ quyên trong tiếng Nhật).
- Con vật: vịt uyên ương
Vì là loài chim di trú vào mùa đông nên cứ đến khoảng thu đông mỗi năm, chúng sẽ trở về nơi suối nguồn trên núi.
Vì bản chất tình cảm ấp ám của vịt uyên ương nên chúng được chọn là con vật của tỉnh, đại diện cho người dân giàu tình cảm nơi đây.
- Động vật hoang dã: hưu
Sống nhiều ở vùng đảo Goto và núi Hachiro của thành phố Nagasaki.

II. Lịch sử - văn hóa

Dưới đây là một vài điểm nổi bật về lịch sử - văn hóa của Nagasaki:

1. Cảng Dejima

Vào thời Edo, khi phần còn lại của đất nước bế quan tỏa cảng thì cảng Dejima (Nagasaki) là nơi duy nhất mở cửa giao thương. Ban đầu, đây là nơi thông thương với các tàu của Bồ Đào Nha từ Ma Cao sang. Tuy nhiên, đến năm 1639, người Bồ Đào Nha bị trục xuất khỏi Nhật Bản, vì thế, từ năm 1641, chỉ còn tàu Trung Quốc và Hà Lan được phép đến cảng Dejima để giao thương.
Chính vì đây là nơi duy nhất được phép cho tàu thuyền nước ngoài cập bến, đặc biệt là Hà Lan và Trung Quốc, thế nên nơi đây cũng chịu ảnh hưởng không ít kiến trúc - văn hóa của phương Tây và Trung hoa.
Cảng được xây theo hình cánh quạt cách xa đất liền, sau này được khôi phục lại thành một địa điểm tham quan cho du khách.

2. Vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki trong chiến tranh thế giới thứ hai

Nagasaki là một trong hai nơi bị Quân đội Hoa Kỳ thả bom nguyên tử. Sau quả bom đầu tiên được thả xuống tại Hiroshima, thì vào ngày 9/8/1945, quả bom thứ hai mang tên “Fat Man” đã phát nổ trên bầu trời thành phố Nagasaki khiến khoảng 74.000 người bị thiệt mạng và phần lớn trong đó đều là dân thường.

III. Món ăn đặc trưng

1. Trứng cá đối khô (karasumi)

Ướp khô trứng có đối và phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.

2. Nhím biển

Có ba loại là nhím biển tím, gazeuni và nhím biển đỏ, người dân thường đánh bắt nhím biển từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 10. Ở Nagasaki, nhím biển thường được đánh bắt tại đảo Ika và từ giữa tháng 4 đến giữa cuối tháng 6 sẽ là khoảng thời gian săn nhím biển tím, đối với nhím biển đỏ sẽ là khoảng tháng 7 đến giữa tháng 10.

3. Chả cá (kamaboko)

Được chế biến bằng cách xay nhuyễn nhiều loại cá thịt trắng khác nhau cùng với chất phụ gia và hương liệu tự nhiên, sau đó được hấp chín hoàn toàn. Chả cá có thể ăn nóng hoặc lạnh, ăn không hoặc ăn chung với các món súp nóng, cơm hay mì.

4. Trái biwa

Ở Nagasaki đã có lịch sử trồng biwa lâu đời (từ thời Edo). Nơi đây có vị trí thuận lợi, xung quanh là biển bao quanh, cùng với đó là khí hậu ấm áp, điều đó khiến tỉnh Nagasaki trở thành một nơi tuyệt vời cho biwa phát triển. Vì thế, Nagasaki chính là nơi có sản lượng biwa cao nhất nước (chiếm hơn 30% sản lượng cả nước – năm 2015).

5. Mì somen

Tỉnh Nagasaki đứng thứ 2 cả nước trong việc sản xuất mì somen, đặc biệt là loại mì somen Shimabara Tenobe được làm thủ công bằng phương pháp truyền thống ở thành phố Shimabara.

6. Bánh Castella

Du nhập từ phương Tây do thương nhân Bồ Đào Nha mang đến Nhật Bản vào thế kỳ 16, và hiện nay, đây là một trong những đặc sản của Nagasaki.

IV. Địa điểm tham quan

1. Công viên hòa bình Nagasaki 

Ngày 9/8/1945, thành phố Nagasaki đã bị thả một quả bom nguyên tử khiến nhiều người thiệt mang. Công viên này được xây dựng năm 1955 với mục đích cầu nguyện cho hòa bình thế giới và hy xọng thảm kịch bom nguyên tử sẽ không bao giờ xảy ra một lần nào nữa.

2. Nhà thờ Oura

Tính đến hiện nay, đây là nhà thờ cổ nhất Nhật Bản. Nơi đây được xây dựng như là một nơi cho người nước ngoài sau khi gỡ bỏ lệnh bế quan tỏa cảng vào cuối thời Mạc phủ. Kiến trúc độc đáo thể hiện qua những tấm kính cửa số được ghép lại bởi những mảnh kính màu sắc, nhất là khi ánh nắng chiếu vào, bên trong nhà thờ sẽ trở nên huyền ảo.

3. Vương quốc ánh sáng (Huis Ten Bosch)

Đây là công viên giải trí lớn nhất Nhật Bản nằm tại thành phố Sasebo, nơi đây tái hiện lại những con đường ở châu Âu. Bên trong công viên được chiếu sáng bởi khoảng 13 triệu bóng đèn, và đó là lý do mà ở đây có tên là “vương quốc ánh sáng”.

4. Vườn Glover

Trong khu vườn có tổng cộng 9 căn nhà truyền thống, trong số đó nhà cổ Glover (của Thomas Blake Glover – thương nhân người Scotland, mang lại nhiều lợi ích cho Nhật Bản từ những kỹ thuật và công nghệ phương Tây) đã được ghi nhận là một trong những di sản văn hóa thế giới.

5. Một số kiến trúc Trung hoa

- Đền Kofukuji: được xây dựng bởi một nhà sư Trung Quốc vào năm 1620. Nằm ở trung tâm Teramachi, là cái nôi của trường phái Obaku của Phật giáo Thiền tông tại Nhật.
- Cầu Meganebashi (cầu mắt kính): cách một quãng không xa đền Kofukuji, cầu được đặt tên như vậy bởi ảnh phản chiếu của cầu trên mặt nước trông giống như một cặp kính. Cầu được xây dựng năm 1634 bởi các nhà sư Trung Quốc sống tại chùa Kofukuji.
- Phố người Hoa: là khu phố Tàu cổ nhất Nhật Bản, hàng năm diễn ra Lễ hội đèn lồng Nagasaki trong 15 ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán.
                                

V. Lễ hội

1. Lễ hội Đèn lồng Nagasaki

Bắt nguồn từ lễ Tết nguyên đán ở Trung Quốc. Đây là một lễ hội đặc trưng vào mùa đông ở Nagasaki. Bắt đầu từ phố người Hoa, tiếp đến là công viên Minato, con đường mua sắm có mái vòm, có khoảng 15.000 chiếc đèn lồng lớn sặc sỡ màu sắc được thả lên bầu trời ở giữa thành phố Nagasaki, và trên đó là những điều ước nguyện của người thả chiếc đèn đó.

2. Lễ hội Nagasaki kunchi

Đây là một lễ hội lớn vào mùa thu được tổ chức tại đền Suwa. Lễ hội diễn ra trong thành phố và kéo dài trong ba ngày, từ ngày 7-9/10, có rất nhiều du khách trong và ngoài thành phố đến tham quan. Trong lễ hội có một nghi lễ là “Hono-odori” mang nhiều yếu tố văn hóa nước ngoài (do chịu ảnh hưởng từ Hà Lan và Trung Quốc trước đó). Nghi lễ này đã được công nhận là “Tài sản văn hóa dân gian phi vật thể quan trọng của quốc gia”. Khi nghi thức được tiến hành, xung quanh sẽ rộn ràng tiếng reo hò của khán giả “モッテコイ” (motte koi), có nghĩa là “Diễn lại đi!”. Tiếng reo cỗ vũ ấy cho các vũ công cũng như dành cho các “Dashimono” (những vật biểu diễn của những phường được phân công biểu diễn, chẳng hạn như rồng, kiệu, thuyền...)

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ