Những điều cần biết về chứng chỉ hành nghề kiến trúc

2024/05/21

Kỹnăng_Chứng chỉ NgànhThiếtkế

Cá nhân, tổ chức khi hành nghề kiến trúc phải đáp ứng các điều kiện và phải có chứng chỉ hành nghề kiến trúc. Vậy hãy cùng tìm hiểu về chứng chỉ này nhé.

1. Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc

Căn cứ Điều 28 Luật Kiến trúc 2019 quy định về điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc như sau:
  1. Có trình độ từ đại học trở lên về lĩnh vực kiến trúc;
  2. kinh nghiệm tham gia thực hiện dịch vụ kiến trúc tối thiểu là 03 năm tại tổ chức hành nghề kiến trúc hoặc hợp tác với kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân;
  3. Đạt yêu cầu sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc.

2. Sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc gồm nội dung gì?

Căn cứ Điều 26 Luật Kiến trúc 2019 quy định nội dung sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc bao gồm:
  1. Kinh nghiệm nghề nghiệp về kiến trúc;
  2. Kiến thức pháp luật liên quan đến lĩnh vực hành nghề;
  3. Kiến thức chuyên ngành về kiến trúc;
  4. Kiến thức về Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề.

3. Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc

Tại khoản 1 Điều 27 Nghị định 85/2020/NĐ-CP quy định về hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc gồm:
  1. Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 85/2020/NĐ-CP kèm theo 02 ảnh màu cỡ 4 x 6 cm có nền màu trắng chân dung của cá nhân đề nghị được chụp trong thời gian không quá 06 tháng;
  2. Văn bằng giáo dục đại học do cơ sở đào tạo hợp pháp cấp phù hợp với nội dung chứng chỉ đề nghị cấp; Đối với văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp, phải có bản dịch sang tiếng Việt được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam;
  3. Các quyết định phân công công việc (giao nhiệm vụ) của tổ chức cho cá nhân hoặc văn bản xác nhận của đại diện theo pháp luật của chủ đầu tư về các công việc tiêu biểu mà cá nhân đã hoàn thành theo nội dung kê khai. Người ký xác nhận phải chịu trách nhiệm về sự trung thực của nội dung xác nhận. Trường hợp cá nhân hành nghề độc lập thì phải có hợp đồng và biên bản nghiệm thu các công việc thực hiện tiêu biểu đã kê khai;
  4. Giấy tờ hợp pháp về cư trú hoặc giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với trường hợp cá nhân là người nước ngoài;
  5. Kết quả sát hạch đạt yêu cầu còn hiệu lực;
  6. Các tài liệu (2), (3), (4) nêu trên phải là bản sao có chứng thực hoặc tệp tin chứa ảnh màu chụp từ bản chính hoặc bản sao, xuất trình bản chính để đối chiếu.

4. Thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc

Về thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc, tại khoản 1, Điều 27 Luật Kiến trúc năm 2019 quy định cơ quan chuyên môn về kiến trúc thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền cấp, gia hạn, thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề kiến trúc.
Căn cứ Điều 28 Nghị định 85/2020/NĐ-CP quy định về thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Cá nhân gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định nêu trên qua mạng hoặc qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề.
Bước 2: Xem xét cấp chứng chỉ hành nghề
Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc trong thời hạn 15 ngày đối với trường hợp cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc;
Trường hợp hồ sơ không đầy đủ hoặc không hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề phải thông báo một lần bằng văn bản tới cá nhân đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị;
Lưu ý: Cá nhân thực hiện nộp lệ phí khi nộp hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc.

5. Chứng chỉ hành nghề kiến trúc có thời hạn bao nhiêu năm?

Căn cứ Điều 27 Luật Kiến trúc 2019 quy định Chứng chỉ hành nghề kiến trúc có thời hạn 10 năm và có giá trị sử dụng trong phạm vi cả nước.

6. Kiến trúc sư có chứng chỉ hành nghề kiến trúc có quyền gì?

Căn cứ Điều 32 Luật Kiến trúc 2019 quy định về Quyền và nghĩa vụ của kiến trúc sư có chứng chỉ hành nghề kiến trúc như sau:

6.1 Quyền

  • Thực hiện dịch vụ kiến trúc;
  • Được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ;
  • Yêu cầu chủ đầu tư cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ thiết kế kiến trúc được giao;
  • Yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng thực hiện đúng thiết kế kiến trúc được duyệt;
  • Từ chối thực hiện yêu cầu trái pháp luật của chủ đầu tư;
  • Từ chối nghiệm thu công trình, hạng mục công trình không đúng thiết kế kiến trúc được duyệt, không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật;
  • Yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng hợp đồng.

6.2 Nghĩa vụ

  • Tuân thủ Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề;
  • Phát triển nghề nghiệp liên tục;
  • Giám sát tác giả trong quá trình thi công xây dựng công trình;
  • Thực hiện đúng cam kết với chủ đầu tư theo hợp đồng.
Nguồn: 
  • https://thuvienphapluat.vn/lao-dong-tien-luong/yeu-cau-bao-nhieu-nam-kinh-nghiem-de-duoc-cap-chung-chi-hanh-nghe-kien-truc-16343.html#google_vignette
  • https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/thoi-su-phap-luat/tu-van-phap-luat/41629/ho-so-thu-tuc-cap-chung-chi-hanh-nghe-kien-truc
  • https://thuvienphapluat.vn/lao-dong-tien-luong/chung-chi-hanh-nghe-kien-truc-co-thoi-han-bao-nhieu-nam-16358.html

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ