Một số giải pháp cho ngành kiểm toán Việt Nam trước xu hướng số hóa

2024/06/21

TintứcKiểmtoán

TÓM TẮT

Số hóa mang đến những công cụ hữu ích và cơ hội cho ngành Kiểm toán nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển trên phạm vi toàn cầu. Số hóa tạo điều kiện cho việc khai thác dữ liệu, nâng cao độ tin cậy khi lập báo cáo thông qua các hệ thống tự động kiểm toán. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, ngành Kiểm toán Việt Nam cũng gặp không ít thách thức khi nguồn lực về cơ sở vật chất, nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu vận hành. Bài viết phân tích những khó khăn của ngành Kiểm toán Việt Nam, đồng thời đề xuất một số giải pháp để ngành tranh thủ tốì đa các lợi thế, cũng như hạn chế tác động tiêu cực của quá trình số hóa.

Từ khóa: số hóa, công nghệ số, kiểm toán, nhân lực, dữ liệu.

1. Đặt vấn đề

Kiểm toán (tiếng Anh là Audit) là quá trình thu thập và đánh giá bằng chứng về những thông tin tài chính được kiểm tra nhằm xác định và báo cáo về mức độ phù hợp giữa những thông tin đó với các chuẩn mực đã được thiết lập. Kiểm toán viên sẽ làm những công việc kiểm tra lại sổ sách kế toán xem có chính xác và đúng pháp luật hay không dựa vào các tài liệu và bằng chứng có liên quan; chứng thực lợi nhuận của công ty, doanh nghiệp; phân tích tình hình tài chính; xem xét tính khách quan tài chính... Hoạt động kiểm toán làm việc với các báo cáo kế toán, điều đó đặt ra yêu cầu người kiểm viên phải nắm rõ chuyên môn. Với kiểm toán nội bộ: thực hiện kiểm toán và báo cáo kiểm toán sử dụng cho nội bộ một tổ chức, đề xuất các hoạt động để nâng cao hiệu quả hoạt động tài chính của đơn vị. Với Kiểm toán Nhà nước: kiểm toán các số liệu tài chính của doanh nghiệp theo các tiêu chí pháp luật thuế - tài chính của Nhà nước. Người kiểm toán viên thực hiện phân tích và tư vấn: trên cơ sở các số liệu đầu vào, từ đó chỉ ra các vấn đề liên quan, đề xuất các phương án về kế toán, thuế, tài chính, vốn,...


Với mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia là “vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu”, mọi lĩnh vực trong nền kinh tế đều cần đẩy mạnh chuyển đổi số. Lĩnh vực kế toán, kiểm toán không nằm ngoài xu thế trên. Thậm chí, kế toán, kiểm toán là một trong những lĩnh vực chịu sự tác động lớn nhất từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) nói chung và xu hướng chuyển đổi số nói riêng. Tại Việt Nam, Chiến lược Kế toán - Kiểm toán đến năm 2030 được ban hành kèm theo Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 23/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh về mục tiêu thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Bài viết trao đổi về thực trạng chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán dưới bối cảnh tác động của công nghệ số nói chung và cuộc CMCN 4.0 nói riêng, từ đó kiến nghị một số giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán tại Việt Nam trong thời gian tới.

2. Thách thức đối với ngành Kiểm toán Việt Nam

Bên cạnh việc tạo ra rất nhiều cơ hội và sự đột phá trong việc áp dụng công nghệ trong hoạt động kiểm toán thì số hóa cũng mang lại những thách thức nhất định:
  • Một là, vấn đề đến từ tính khả dụng của dữ liệu thu thập được. Rất khó khăn khi yêu cầu khách hàng cung cấp đầy đủ những dữ liệu hữu dụng đối với công việc kiểm toán, một phần vì khả năng hiểu về dữ liệu của khách hàng, một phần vì việc kiểm toán viên bị hạn chế truy cập cơ sở dữ liệu. Thậm chí kể cả khi được toàn quyền truy cập cơ sở dữ liệu, kiểm toán viên vẫn phải đối mặt với trường hợp dữ liệu có đầy đủ hay không. Do Big Data đến từ nguồn dữ liệu bên trong lẫn bên ngoài doanh nghiệp, do vậy, kiểm toán viên cần phải xem xét xem liệu dữ liệu mình có được có đến từ nguồn đáng tin cậy hay đã bị làm sai lệch trước khi được tiếp cận.
  • Hai là, vấn đề đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của kiểm toán viên là sẽ rất lớn. Quá trình số hóa đòi hòi khối lượng dữ liệu khổng lồ trong Big Data - với một lượng lớn là các thông tin phi tài chính - có thể vượt quá khả năng xử lý thông tin của các kiểm toán viên. Những kỹ năng nhận dạng xu hướng hay cách đánh giá các giao dịch bất thường không phải là những kỹ năng có thể dễ dàng thuần thục và được đào tạo bài bản trong trường, mà cần trải qua rất nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đó mới có được. Do đó, mối quan tâm hàng đầu đó là phần lớn kiểm toán viên hiện nay đang thiếu những kỹ năng cần thiết để có thể sử dụng chính xác và hiệu quả công nghệ phân tích dữ liệu từ Big Data và các doanh nghiệp sẽ phải bỏ chi phí lớn để đào tạo, cũng như thuê các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực phân tích dữ liệu. Những cái nhìn về số liệu từ các chuyên gia này có thể khác với kiểm toán truyền thống cũng dấy lên mối lo ngại về chất lượng kiểm toán.
  • Ba là, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa tương xứng. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán của Việt Nam chưa theo kịp được với xu hướng mới và chưa được chú trọng đầu tư tương xứng. Tuy nhiên, bài toán nan giải đặt ra đó là do việc đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng số không thể tiến hành nhanh, trong khi việc ứng dụng công nghệ số hóa vào lĩnh vực kế toán, kiểm toán sẽ diễn ra rất nhanh chóng.

3. Một số giải pháp ứng dụng số hóa vào hoạt động kiểm toán tại Việt Nam

  • Một là, giải quyết vấn đề về dữ liệu. Dữ liệu cần được lấy từ nhiều nguồn khác nhau thông qua các cuộc kiểm toán, dữ liệu yêu cầu đơn vị được kiểm toán, cơ quan chức năng cung cấp định kỳ, các dữ liệu mở trên mạng. Cách thức thu thập dữ liệu cũng phải đa dạng, như: trao đổi trực tiếp giữa các hệ thống (qua các API), qua Cổng trao đổi thông tin và cung cấp dữ liệu trực tiếp cho kiểm toán viên thông qua các đoàn kiểm. Đồng thời việc chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ cần được thực hiện song song với tiến trình chuyển đổi số của ngành. Đây cũng là một yếu tố “cần” để ngành Kiểm toán có thể áp dụng hệ thống thông tin, các công cụ phân tích dữ liệu hỗ trợ hoạt động kiểm toán. Việc chuẩn hóa, thay đổi quy trình nghiệp vụ cho phù hợp với tin học hóa là một quá trình rất khó khăn, đòi hỏi sự thay đổi trong nhận thức và quyết liệt thực hiện từ các cấp lãnh đạo đến cán bộ, công chức, viên chức trong ngành. Vì vậy, ngành Kiểm toán phải thực hiện từng bước, xây dựng các chế tài đủ mạnh để thực hiện, từ việc đưa ra quy trình, nghiệp vụ đến khâu áp dụng trên các ứng dụng.
  • Hai là, về vấn đề nhân sự. Các công ty kiểm toán cần hoạch định lại các chiến lược tuyển dụng, do tiêu chí tuyển dụng kiểm toán viên thời kỳ công nghệ 4.0 đã khác trước rất nhiều, đồng thời cần tập trung đào tạo nhân sự để nắm bắt, sử dụng được những tiến bộ trong công nghệ. Ngành Kiểm toán là một trong những ngành có nguy cơ phải tin học hóa cao trong tương lai, với sự phát triển vượt bậc của tự động hóa và trí thông minh nhân tạo (AI). Trong thời điểm hiện tại, trước khi đối mặt với nguy cơ bị thay thế bởi AI, nguồn nhân lực kế toán - kiểm toán tại Việt Nam phải đối mặt với thách thức không nhỏ khác tới từ việc thiếu hụt kỹ năng về công nghệ. Vì vậy, các công ty kiểm toán phải đầu tư tương tự vào con người và công nghệ để có thể đào sâu hơn vào dữ liệu và tiết lộ nhiều hơn về công việc kinh doanh và rủi ro của công ty. Cuối cùng, những công nghệ kiểm toán này sẽ thúc đẩy chất lượng kiểm toán và cung cấp những hiểu biết sâu sắc cho kiểm toán viên và các bên liên quan của công ty về nhiều vấn đề tài chính và hoạt động.
  • Ba là, về vấn đề cơ sở hạ tầng. Ngành Kiểm toán cần xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới gồm: xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ quá trình chuyển đổi số; xây dựng hạ tầng dữ liệu; phát triển phần mềm ứng dụng, công cụ phân tích dữ liệu; bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng; chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ, xây dựng cơ chế, chính sách; phát triển, đào tạo nguồn nhân lực. Trong đó, việc xây dựng hạ tầng dữ liệu là nhiệm vụ hàng đầu và cũng là nhiệm vụ khó khăn nhất. Hoạt động chuyên môn của ngành trải trên diện rộng, nhiều lĩnh vực, ngành nghề nên dữ liệu phục vụ hoạt động kiểm toán cũng sẽ rất đa dạng, phức tạp, phần lớn là dữ liệu phi cấu trúc cần phải chuẩn hóa. Ngoài ra, việc trao đổi, cung cấp dữ liệu với các đơn vị được kiểm toán, cơ quan chức năng cũng gặp không ít khó khăn. Vì vậy, ngoài giải pháp công nghệ, ngành Kiểm toán còn phải quan tâm đến các vấn đề, như: xác định các loại dữ liệu cần thiết phục vụ cho 2 nhiệm vụ cốt lõi của ngành là công tác lập kế hoạch kiểm toán và thực hiện kiểm toán; tổ chức, chuẩn hóa dữ liệu; hoàn thiện các văn bản pháp lý phục vụ cho việc cung cấp, trao đổi dữ liệu điện tử, nhất là việc xây dựng các cơ chế phối hợp với các đơn vị trong việc kết nối, chia sẻ thông tin.
  • Bốn là, về vấn đề phát triển công nghệ phù hợp xu thế số hóa nền kinh tế. Ngành Kiểm toán cần lựa chọn các công nghệ phù hợp nhu cầu thực tế của KTNN để triển khai như: điện toán đám mây và ảo hóa trong lưu trữ, quản lý các ứng dụng và cơ sở dữ liệu; ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data) và Trí tuệ nhân tạo (AI) trong phân tích dữ liệu; phát triển ứng dụng trên các nền tảng Web và di động (Mobility)... Đây đều là những ứng dụng công nghệ cao, cần được ưu tiên về nhân lực và tài chính. Cùng với đó, KTNN cần tăng cường công tác phối hợp, học tập kinh nghiệm từ các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới và các cơ quan tổ chức trong nước ở cả 3 lĩnh vực: kỹ thuật công nghệ, kinh nghiệm và tài chính. Bên cạnh đó, ngành Kiểm toán Việt Nam cần nhanh chóng học hỏi, áp dụng công nghệ tiên tiếp đã áp dụng thành công trên thế giới, đặc biệt là các phần mềm kiểm toán, các công cụ công nghệ thu thập thông tin nhanh chóng và hiệu quả nhất, những công cụ phân tích tự động… để nâng cao chất lượng công việc, tiết kiệm thời gian và chi phí kiểm toán. Kiểm toán viên cần phải tìm hiểu thật sâu về các công nghệ được áp dụng trong quá trình kiểm toán, bởi vì bên cạnh những mặt lợi ích to lớn thì việc sử dụng công nghệ cao cũng có những rủi ro nhất định nếu người sử dụng không hiểu biết kỹ lưỡng, đặc biệt là khả năng bị rò rỉ thông tin của khách hàng. Các công ty kiểm toán thể áp dụng điện toán đám mây nếu rủi ro được quản lý phù hợp. Cơ sở hạ tầng Internet cần phải đủ mạnh để đảm bảo hệ thống đáng tin cậy. Cần đặc biệt thận trọng để hiểu được những vấn đề an ninh của đám mây và đảm bảo đáp ứng các nhu cầu của KTNN và các DN kiểm toán. Ví dụ, quan trọng là phải kiểm tra nhà cung cấp đám mây tuân thủ tiêu chuẩn an ninh như ISO 27001 hoặc có báo cáo kiểm toán dịch vụ. Cách mạng công nghiệp 4.0 xuất hiện là một xu thế phát triển tất yếu của nhân loại, làm thay đổi toàn diện nền kinh tế, xã hội của mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam.

4. Kết luận

Bên cạnh những lợi ích to lớn về việc nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc, kiểm toán tại Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ về tốc độ cập nhật công nghệ mới cũng như yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực. Một mặt, Nhà nước cũng như các hiệp hội nghề nghiệp kế toán - kiểm toán cần tổ chức những diễn đàn với đại diện các doanh nghiệp nhằm định hướng cho các doanh nghiệp về xu thế phát triển của công nghệ sắp tới, chỉ ra yêu cầu cấp bách cần phải đầu tư cải thiện công nghệ trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, bản thân các kiểm toán viên cần phải xác định tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực chuyên môn cũng như kĩ năng công nghệ thông tin để kịp thời thích ứng với những thay đổi trong thời gian tới, đặc biệt là đối với luồng lao động chất lượng cao từ các nước trong khu vực.
Nguồn: https://tapchicongthuong.vn/mot-so-giai-phap-cho-nganh-kiem-toan-viet-nam-truoc-xu-huong-so-hoa-106361.ht

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ