Khái niệm và cách tính Thuế Thu nhập cá nhân

Hôm nay, AGS xin mời bạn cùng tìm hiểu về Thuế thu nhập cá nhân. Thuế là một khoản thu bắt buộc vào ngân sách nhà nước, được pháp luật quy định rõ ràng với các tổ chức kinh tế và các thành viên trong xã hội. Nộp thuế là nghĩa vụ phải thực hiện của các chủ thể thuộc đối tượng đóng thuế theo quy định. Một trong các loại thuế góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy ngân sách nhà nước là thuế thu nhập cá nhân. Vậy thế nào là thuế thu nhập cá nhân và cách tính thuế thu nhập cá nhân?

1. Thuế thu nhập cá nhân là gì?

Thuế thu nhập cá nhân (Personal income tax) là khoản tiền mà người có thu nhập phải trích nộp trong một phần tiền lương, hoặc từ các nguồn thu khác vào ngân sách nhà nước sau khi đã được giảm trừ. Thuế thu nhập cá nhân không đánh vào những cá nhân có thu nhập thấp, do đó, khoản thu này sẽ công bằng với mọi đối tượng, góp phần làm giảm khoảng cách chênh lệch giữa các tầng lớp trong xã hội


Có 2 đối tượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân: Cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú tại Việt Nam có thu nhập chịu thuế. Cụ thể:
  • Với cá nhân cư trú: Thu nhập chịu thuế là khoản phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam (không phân biệt nơi trả thu nhập)
  • Với cá nhân không cư trú: Thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại Việt Nam (không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập). 

2. Cách tính thuế thu nhập cá nhân

2.1 Đối với cá nhân cư trú

Trường hợp 1: Cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên và có nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công.

Các công thức áp dụng tính thuế thu nhập cá nhân

 Thuế thu nhập cá nhân cần nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất.

Trong đó:  Thu nhập tính thuế = Thu nhập phải chịu thuế - Các khoản giảm trừ. 
Thu nhập phải chịu thuế = Tổng tiền lương nhận được - Các khoản được miễn thuế.
 Để tính mức thuế thu nhập cá nhân phải nộp theo các bước như sau:
Bước 1: Tính tổng thu nhập (tiền lương) nhận được.
Bước 2: Tính các khoản được miễn thuế
Các khoản thu nhập được miễn thuế (nếu có) từ tiền lương tiền công gồm:
  • Khoản tiền lương làm thêm giờ, làm việc ban đêm được trả cao hơn so với tiền lương làm việc trong thời gian hành chính.
  • Thu nhập của thuyền viên là người Việt Nam làm việc cho hãng tàu Việt Nam vận tải quốc tế hoặc hãng tàu của nước ngoài.
Bước 3: Tính thu nhập phải chịu thuế 
Bước 4: Tính các khoản giảm trừ
Các khoản giảm trừ bao gồm:
  • Giảm trừ gia cảnh đối với bản thân người nộp thuế là 132 triệu đồng/năm tương đương 11 triệu/ tháng và đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
  • Giảm trừ các khoản đóng bảo hiểm, đóng góp từ thiện, khuyến học, nhân đạo và quỹ hưu trí tự nguyện.
Bước 5: Tính thu nhập tính thuế 
Để tính thuế suất người tính thuế áp dụng bảng biểu thuế lũy tiến từng phần (Điều 22, Luật Thuế TNCN năm 2007 quy định)

Trường hợp 2: Cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng.

Căn cứ điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định như sau:
Cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng hoặc không ký hợp đồng lao động mà có tổng mức trả thu nhập từ 02 triệu đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập (khấu trừ luôn trước khi trả tiền).

Công thức tính thuế TNCN phải nộp áp dụng như sau:

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = 10% x Tổng thu nhập trước khi trả

2.2 Đối với cá nhân không cư trú

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = 20% x Thu nhập chịu thuế

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Nguồn:https://www.meinvoice.vn/tin-tuc/18211/cach-tinh-thue-thu-nhap-ca-nhan/
Next Post Previous Post