I. Đăng ký nhượng quyền thương mại là gì?
Đăng ký nhượng quyền thương mại là thủ tục bắt buộc mà thương nhân nhượng
quyền thương mại phải thực hiện với cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam để
được thực hiện hoạt động nhượng quyền thương mại.
Thương nhân được phép hoạt động nhượng quyền thương mại có thể là cá nhân,
pháp nhân Việt Nam hoặc cá nhân, pháp nhân nước ngoài (gọi chung là thương
nhân nhượng quyền).
Theo quy định hiện nay, việc đăng ký nhượng quyền thương mại chỉ áp dụng đối
với hình thức nhượng quyền thương mại từ nước ngoài vào Việt Nam. Tức là,
thương nhân nước ngoài muốn nhượng quyền thương mại cho thương nhân tại Việt
Nam thì phải đáp ứng 2 điều kiện sau đây:
- Thứ nhất, phải làm thủ tục đăng ký nhượng quyền thương mại tại Bộ Công thương;
- Hai là, thương nhân nước ngoài chỉ được phép cấp quyền thương mại cho thương nhân Việt Nam khi hệ thống kinh doanh của thương nhân nước ngoài đã hoạt động tối thiểu được 1 năm trở lên.
II. Quy trình - Thủ tục đăng ký chuyển nhượng thương mại
Thương nhân nước ngoài có nhu cầu đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại
thực hiện thủ tục tại Bộ Công thương theo các bước sau đây:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
- Thương nhân chuẩn bị 1 bộ hồ sơ đăng ký nhượng quyền thương mại với đầy đủ các giấy tờ như Anpha đã hướng dẫn ở bên dưới.
Bước 2: Nộp hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền
- Thương nhân dự kiến nhượng quyền thương mại tiến hành nộp trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Bộ Công thương hoặc gửi hồ sơ tới Bộ Công thương qua dịch vụ bưu chính theo địa chỉ 54 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
- Sau khi tiếp nhận hồ sơ, bộ phận tiếp nhận hồ sơ lập và cấp giấy biên nhận cho thương nhân đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại;
- Trong vòng 2 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ chưa hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ gửi thông báo bằng văn bản cho thương nhân dự kiến nhượng quyền để thực hiện sửa đổi, bổ sung hồ sơ;
- Trường hợp chưa năm rõ những yêu cầu cần sửa đổi, bổ sung hồ sơ, thương nhân có quyền đề nghị cơ quan tiếp nhận hồ sơ trả lời và giải thích.
Bước 3: Xử lý hồ sơ và trả kết quả
- Cơ quan tiếp nhận và xử lý hồ sơ: Vụ Kế hoạch - Tài chính của Bộ Công thương;
- Sau khi nhận được bộ hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 5 ngày làm việc, Bộ Công thương thực hiện đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại vào sổ đăng ký và ra thông báo chấp nhận về việc đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại gửi cho thương nhân.
- Nếu từ chối đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại, thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, Bộ Công thương phải có thông báo bằng văn bản gửi cho thương nhân và nêu rõ lý do từ chối.
III. Hồ sơ đăng ký nhượng quyền thương mại
Theo Thông tư 09/2006/TT-BTM, thành phần hồ sơ đăng ký hoạt động nhượng
quyền thương mại gồm có:
- Đơn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại (mẫu MĐ-1 tại Phụ lục II);
- Bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại (mẫu tại Phụ lục III);
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/giấy tờ pháp lý tương đương của thương nhân nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền nơi thương nhân nước ngoài thành lập xác nhận (trường hợp nhượng quyền thương mại từ nước ngoài vào Việt Nam);
- Bản sao hợp lệ văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam hoặc tại nước ngoài (trường hợp có chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được cấp văn bằng bảo hộ);
- Giấy tờ chứng minh sự chấp thuận về việc bên nhượng quyền ban đầu cho phép nhượng quyền lại trong trường hợp thương nhân đăng ký hoạt động nhượng quyền là bên nhượng quyền thứ cấp.
Lưu ý:
- Bản sao hợp lệ là bản sao có chứng thực hoặc bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu;
- Nếu bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại, văn bằng bảo hộ, giấy tờ chứng minh sự chấp thuận về việc cho phép nhượng quyền thương mại được trình bày bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt, công chứng theo quy định của pháp luật Việt Nam;
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/giấy tờ pháp lý tương đương của thương nhân nước ngoài được thể hiện bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và được cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài chứng nhận và hợp pháp hóa lãnh sự.
IV. Mức xử phạt vi phạm về kinh doanh nhượng quyền thương mại
Theo quy định tại Điều 75 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, thương nhân tham gia
nhượng quyền thương mại và kinh doanh theo hình thức nhượng quyền thương mại
sẽ bị xử phạt nếu vi phạm 1 trong các quy định sau đây:
- Phạt hành chính từ 1.000.000 đồng - 3.000.000 đồng đối với hành vi nhượng quyền thương mại mà không có hợp đồng nhượng quyền thương mại.
- Phạt hành chính từ 3.000.000 đồng - 5.000.000 đồng đối với các hành vi:
- Kê khai không chính xác, không trung thực nội dung trong hồ sơ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại;
- Ngôn ngữ sử dụng và các nội dung chủ yếu của hợp đồng nhượng quyền thương mại không đúng quy định;
- Cung cấp thông tin không chính xác, không đầy đủ các nội dung bắt buộc trong bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại;
- Không cung cấp hoặc cung cấp không chính xác, không đầy đủ các thông tin trong hoạt động nhượng quyền thương mại;
- Không thực hiện báo cáo, cung cấp tài liệu hoặc báo cáo không đầy đủ, không trung thực các vấn đề có liên quan đến hoạt động nhượng quyền thương mại theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được khi thực hiện hành vi vi phạm.
Lưu ý:
Mức phạt quy định ở trên áp dụng đối với cá nhân. Cùng 1 hành vi vi phạm,
mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
1. Điều kiện được nhượng quyền thương mại là gì?
Điều kiện để được cho phép cấp quyền thương mại là hệ thống kinh doanh của
thương nhân nhượng quyền phải hoạt động tối thiểu được 1 năm trở lên.
2. Trường hợp nào phải đăng ký nhượng quyền thương mại?
Việc đăng ký nhượng quyền thương mại áp dụng đối với thương nhân nhượng
quyền đầu tiên và thương nhân nhượng quyền thứ cấp, ngoại trừ 2 trường hợp
sau đây:
- Thực hiện hoạt động nhượng quyền thương mại trong nước;
- Thực hiện hoạt động nhượng quyền thương mại từ Việt Nam ra nước ngoài.
3. Làm thủ tục đăng ký nhượng quyền thương mại ở đâu?
Thương nhân dự kiến nhượng quyền làm thủ tục đăng ký nhượng quyền thương mại
tại Bộ Công thương. Sau khi nhận hồ sơ của thương nhân, Vụ Kế hoạch - Tài
chính của Bộ Công thương sẽ chịu trách nhiệm tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng
ký nhượng quyền thương mại trong vòng 5 - 7 ngày làm việc.
4. Hồ sơ đăng ký nhượng quyền thương mại gồm những gì?
Thành phần hồ sơ gồm có:
- Đơn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại;
- Bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại;
- Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân nước ngoài (trường hợp nhượng quyền thương mại từ nước ngoài vào Việt Nam);
- Bản sao hợp lệ văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam hoặc tại nước ngoài (trường hợp có chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được cấp văn bằng bảo hộ);
- Giấy tờ chứng minh sự chấp thuận về việc cho phép nhượng quyền lại của bên nhượng quyền ban đầu trong trường hợp thương nhân đăng ký hoạt động nhượng quyền là bên nhượng quyền thứ cấp.
5. Kê khai không trung thực trong hồ sơ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại có bị phạt không?
Có. Cá nhân, tổ chức dự kiến đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại có
hành vi kê khai không chính xác, không đầy đủ thông tin trong hồ sơ đăng ký
hoạt động nhượng quyền thương mại sẽ bị xử phạt như sau:
- Phạt hành chính từ 3.000.000 đồng - 5.000.000 đồng đối với cá nhân;
- Phạt hành chính từ 6.000.000 đồng - 10.000.000 đồng đối với tổ chức.
- Biện pháp khắc phục: Buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được.
*Thông tin khác
Thông tin ứng tuyển và Hướng dẫn
Nguồn: https://ketoananpha.vn/thu-tuc-dang-ky-nhuong-quyen-thuong-mai.html