I. Doanh nghiệp nhà nước được tổ chức quản lý dưới hình thức nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 88
Luật Doanh nghiệp 2020
quy định như sau:
Điều 88. Doanh nghiệp nhà nước
1. Doanh nghiệp nhà
nước được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ
phần, bao gồm:
a) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
b)
Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có
quyền biểu quyết, trừ doanh nghiệp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
2.
Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định tại điểm a khoản
1 Điều này bao gồm:
a) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà
nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công
ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty
con;
b) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty độc lập do
Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
3. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên
50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại điểm
b khoản 1 Điều này bao gồm:
a) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên
trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ
phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng
công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con;
b) Công
ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần là công ty độc
lập do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu
quyết.
...
Theo đó,
doanh nghiệp nhà nước
sẽ được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ
phần, gồm có:
- Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
- Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
II. Tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước có được bố trí người thân vào làm kế toán không?
Căn cứ theo khoản 5 Điều 20
Luật phòng, chống tham nhũng 2018 được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 217
Luật Doanh nghiệp 2020
có quy định như sau:
Điều 20. Quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền
hạn
...
5. Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành
viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám
đốc, Kế toán trưởng và người giữ chức danh, chức vụ quản lý khác trong doanh
nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ không được ký kết hợp đồng với doanh
nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột; cho phép
doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham
dự các gói thầu của doanh nghiệp mình; bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh,
chị, em ruột giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ
kho trong doanh nghiệp hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp
đồng cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, căn cứ theo khoản 3 Điều 52
Luật Kế toán 2015
quy định như sau:
Điều 52. Những người không được làm kế toán
...
3.
Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột
của người đại diện theo pháp luật, của người đứng đầu, của giám đốc, tổng giám
đốc và của cấp phó của người đứng đầu, phó giám đốc, phó tổng giám đốc phụ trách
công tác tài chính - kế toán, kế toán trưởng trong cùng một đơn vị kế toán, trừ
doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu
và các trường hợp khác do Chính phủ quy định.
...
Như vậy, đối
với
doanh nghiệp nhà nước
được tổ chức dưới hình thức doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ
thì Tổng giám đốc không được bố trí người thân vào làm kế toán bao gồm vợ hoặc
chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột.
Còn đối với doanh nghiệp do Nhà nước
nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết cũng sẽ
không được bố trí người thân vào làm kế toán bao gồm cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ
nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột.
III. Tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước có quyền và nghĩa vụ gì?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 100
Luật Doanh nghiệp 2020, Tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước có nhiệm vụ điều hành các hoạt động hằng
ngày của doanh nghiệp và có quyền và nghĩa vụ dưới đây:
- Tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch, phương án kinh doanh, kế hoạch đầu tư của công ty.
- Tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty và của cơ quan đại diện chủ sở hữu công ty.
- Quyết định các công việc hằng ngày của công ty.
- Ban hành quy chế quản lý nội bộ của công ty đã được Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty chấp thuận.
- Bổ nhiệm, thuê, miễn nhiệm, cách chức, chấm dứt hợp đồng lao động đối với người quản lý công ty, trừ chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty.
- Ký kết hợp đồng, giao dịch nhân danh công ty, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty.
- Lập và trình Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty báo cáo định kỳ hằng quý, hằng năm về kết quả thực hiện mục tiêu kế hoạch kinh doanh; báo cáo tài chính.
- Kiến nghị phân bổ và sử dụng lợi nhuận sau thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của công ty.
- Tuyển dụng lao động.
- Kiến nghị phương án tổ chức lại công ty.
- Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.
Thông tin khác
Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn
Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/hoi-dap-phap-luat/83A16EB-hd-tong-giam-doc-doanh-nghiep-nha-nuoc-co-duoc-bo-tri-nguoi-than-vao-lam-ke-toan-khong.html#:~:text=Nh%C6%B0%20v%E1%BA%ADy%2C%20%C4%91%E1%BB%91i%20v%E1%BB%9Bi%20doanh,anh%2C%20ch%E1%BB%8B%2C%20em%20ru%E1%BB%99t.