Thủ tục tạm ngừng hoạt động doanh nghiệp

2024/09/17

LuậtDoanhnghiệp

Công ty Kế toán AGS Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và cung cấp dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, Thuế, Tư vấn quản lý, chuyển đổi và tái cơ cấu doanh nghiệp.
Trong bài viết này công ty AGS sẽ chia sẻ về chủ đề "Thủ tục tạm ngừng hoạt động doanh nghiệp". Bài viết dành cho những quý công ty muốn tạm ngừng kinh doanh. AGS muốn chia sẻ về chủ đề này bởi vì theo như "Báo cáo mới nhất của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về tình trạng tạm ngừng hoạt động của doanh nghiệp tại Việt Nam cho thấy, trong tháng 2/2023 có 3.802 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Con số này thể hiện mức giảm 89,1% so với tháng trước và tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trung bình mỗi tháng có 25.700 doanh nghiệp rời bỏ thị trường." có thể do khi công việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp không thể tiếp tục hoạt động thì tạm ngừng kinh doanh là một lựa chọn đáng cân nhắc nếu doanh nghiệp chưa muốn giải thể. Về tổng quát, quy trình thực hiện việc tạm ngừng kinh doanh đơn giản về dễ tiến hành hơn so với việc dừng kinh doanh hoàn toàn (giải thể).
Cùng tìm hiểu kĩ hơn về chủ đề này qua bài viết dưới đây nhé.

1. Tạm ngừng kinh doanh là gì?

Tạm ngừng kinh doanh là trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một thời gian nhất định vì các lý do khác nhau.

Các lý do này thường xảy ra khi công ty đang gặp khó khăn về tài chính hoặc sản xuất hoặc khi công ty muốn tạm dừng hoạt động để sửa chữa, nâng cấp hoặc tái tổ chức hoặc tạm ngừng theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Khi tạm ngừng hoạt động kinh doanh cũng phải thông báo bằng văn bản về thời điểm bắt đầu và thời hạn kết thúc việc tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục hoạt động kinh doanh và thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh trước thời điểm tạm ngừng ít nhất 15 ngày.

2. Hồ sơ thực hiện thủ tục tạm ngừng hoạt động kinh doanh

  • Thông báo tạm ngừng kinh doanh (mẫu tham khảo tại Phụ lục số II-19 Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT);
  • Quyết định tạm ngừng kinh doanh (của chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên, của Hội đồng thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên, của Hội đồng quản trị công ty cổ phần…);
  • Bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần, của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh.

3. Thủ tục đăng ký tạm ngừng hoạt động kinh doanh

Theo Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, thủ tục tạm ngừng hoạt động kinh doanh công ty sẽ được thực hiện theo 3 bước sau:
  • Bước 1: Nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh;
  • Bước 2: Phòng đăng ký kinh doanh xử lý hồ sơ;
  • Bước 3: Hoạt động kinh doanh công ty chính thức tạm ngừng.

Bước 1: Nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh

Trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo, doanh nghiệp phải gửi thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đã đăng ký trước khi tạm ngừng kinh doanh chậm nhất là 03 ngày trước khi tiến hành tạm ngừng kinh doanh. Thông báo này phải bao gồm các thông tin sau:
  • Tên, địa chỉ trụ sở chính, mã số doanh nghiệp và ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
  • Ngành, nghề kinh doanh;
  • Ngày bắt đầu và ngày kết thúc thời hạn tạm ngừng;
  • Lý do tạm ngừng hoạt động kinh doanh;
Trong trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, hoặc địa điểm kinh doanh muốn tiếp tục tạm ngừng kinh doanh sau khi hết thời hạn thông báo ban đầu thì phải thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tiếp tục tạm ngừng kinh doanh. Thời hạn tạm ngừng kinh doanh của mỗi lần thông báo không được quá một năm.
Trong trường hợp doanh nghiệp quyết định tạm ngừng kinh doanh phải kèm theo trong hồ sơ bản thông báo có nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh và của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần.
Nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn chỉ có một thành viên, thông báo tạm ngừng kinh doanh cần có nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty.
Nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh thông qua 2 hình thức:
  • Nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh;
  • Nộp thông qua Cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia tại địa chỉ: www.dangkykinhdoanh.gov.vn.
Việc nộp đầy đủ các giúp cơ quan chức năng nắm rõ tình hình hoạt động của doanh nghiệp và đảm bảo việc thay đổi thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh được cập nhật chính xác trong hồ sơ đăng ký kinh doanh.

Bước 2: Phòng đăng ký kinh doanh xử lý hồ sơ

Sau khi nhận được hồ sơ yêu cầu tạm ngưng hoạt động kinh doanh, phòng Đăng ký kinh doanh sẽ tiến hành xử lý hồ sơ doanh nghiệp nhận được trong thời gian 3 ngày làm việc và đưa ra kết quả như sau:
  •  Giấy xác nhận tạm ngừng hoạt động kinh doanh nếu hồ sơ hợp lệ: Trong trường hợp hồ sơ cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định và đáp ứng các yêu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ cấp giấy xác nhận cho doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh;
  • Thông báo sửa đổi, bổ sung văn bản nếu xét thấy không hợp lệ: Nếu trong quá trình xử lý hồ sơ, Phòng Đăng ký kinh doanh phát hiện thông tin hoặc văn bản không đủ hoặc không chính xác, doanh nghiệp sẽ nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung để đảm bảo hồ sơ trở nên hợp lệ và hoàn chỉnh theo quy định.
Khi hoàn tất thủ tục thông báo, doanh nghiệp sẽ nhận được kết quả xử lý từ Phòng Đăng ký kinh doanh qua phương thức mà họ đã lựa chọn, bao gồm việc nhận giấy xác nhận tạm ngừng hoạt động kinh doanh (nếu hồ sơ hợp lệ) hoặc thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung nếu cần thiết (nếu hồ sơ không đủ điều kiện). Điều này nhằm đảm bảo quy trình tạm ngừng kinh doanh diễn ra một cách thuận lợi và tuân thủ quy định của pháp luật.

Bước 3: Hoạt động kinh doanh công ty chính thức tạm ngừng

Sau khi cơ quan có thẩm quyền nhận được thông báo tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp sẽ tạm ngừng từ thời gian được ghi trên thông báo, mọi hoạt động kinh doanh sau ngày tạm dừng hoạt động đều phải dừng lại, doanh nghiệp được phép hoạt động trở lại sau khi hết thời hạn tạm ngừng hoặc xin hoạt động sớm trở lại khi chưa hết thời hạn tạm ngừng.

4. Thủ tục tạm ngừng kinh doanh với cơ quan thuế

Việc tạm ngừng kinh doanh với cơ quan thuế phải được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Dưới đây là 05 bước cần thiết để thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh với cơ quan thuế:
  • Bước 1: Lập đơn đề nghị tạm ngừng kinh doanh: Doanh nghiệp cần lập đơn đề nghị tạm ngừng kinh doanh và gửi cho cơ quan thuế địa phương nơi mà doanh nghiệp đăng ký kinh doanh.
  • Bước 2: Nộp các giấy tờ liên quan: Khi gửi đơn đề nghị tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp cần nộp các giấy tờ liên quan như: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy tờ xác nhận về thuế, báo cáo tài chính,…
  • Bước 3: Đợi cơ quan thuế xử lý: Sau khi nhận được đơn đề nghị tạm ngừng kinh doanh và các giấy tờ liên quan, cơ quan thuế sẽ tiến hành xử lý trong vòng 10 ngày làm việc. Nếu thủ tục được thực hiện đầy đủ và đúng quy định, cơ quan thuế sẽ ban hành quyết định tạm ngừng kinh doanh.
  • Bước 4: Thực hiện nghĩa vụ thuế: Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với những hoạt động kinh doanh đã được thực hiện trước đó.
  • Bước 5: Khi muốn khôi phục hoạt động kinh doanh: Doanh nghiệp cần nộp đơn xin khôi phục hoạt động kinh doanh và các giấy tờ liên quan tới cơ quan thuế để được xem xét và giải quyết.
Lưu ý rằng, trong quá trình tạm ngừng kinh doanh với cơ quan thuế, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện nghĩa vụ thuế và chịu trách nhiệm về các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến thuế.
Nếu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tròn 01 năm dương lịch (01/01 – 31/12), không phát sinh thêm nghĩa vụ thuế vì vậy không cần phải nộp thuế môn bài, kê khai và nộp báo cáo thuế, báo cáo tài chính cho thời hạn tạm ngừng đó.

5. Lưu ý khi tạm ngừng hoạt động doanh nghiệp

Khi tạm ngừng hoạt động doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần lưu ý 5 vấn đề sau:

a) Thông Báo Tạm Ngừng Kinh Doanh chậm nhất 3 ngày trước khi tạm ngừng kinh doanh

Theo Khoản 1 Điều 206 của luật Doanh nghiệp 2020 quy định rõ ràng về việc thông báo tạm ngừng kinh doanh phải cung cấp thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh ít nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh. Trước đó thời hạn thông báo trước là 15 ngày theo Luật Doanh nghiệp 2014.
Điều 37 Luật Quản lý thuế 2019 quy định rằng: các tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc diện đăng ký kinh doanh phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp ít nhất 01 ngày làm việc trước khi tạm ngừng hoạt động kinh doanh hoặc tiếp tục hoạt động kinh doanh trước thời hạn đã thông báo, nhằm thực hiện quản lý thuế.

b) Thời Hạn và Số Lần Tạm Ngừng Kinh Doanh mỗi lần không quá 01 năm và không hạn chế số lần tạm ngừng liên tiếp.

Luật Doanh nghiệp không đưa ra quy định về vấn đề này, tuy nhiên Nghị định hướng dẫn đã quy định rằng thời gian tạm ngừng mỗi lần không được vượt quá 01 năm và không giới hạn số lần tạm ngừng liên tiếp (theo Luật Doanh Nghiệp 2014, thời gian tạm ngừng liên tiếp không được quá 02 năm). Điều này có nghĩa là nếu không có phương án kinh doanh trong thời gian dài, nhưng doanh nghiệp không muốn giải thể, họ có thể tiếp tục tạm ngừng liên tục trong nhiều năm.

c) Nộp hồ sơ khai thuế trong thời gian tạm ngừng hoạt động kinh doanh

Theo Điểm a, Khoản 2, Điều 4 của Nghị Định 126/2020/NĐ-CP, người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế nếu tạm ngừng hoạt động kinh doanh không trọn tháng, quý hoặc năm dương lịch hoặc năm tài chính. Tuy nhiên, nếu có một ngày hoạt động trong kỳ báo cáo, doanh nghiệp phải nộp báo cáo thuế cho kỳ đó.
Ví dụ: Nếu doanh nghiệp tạm ngưng từ ngày 13/1/2023 đến 12/1/2024, thì dù chỉ hoạt động trong kỳ này có 2 ngày, doanh nghiệp vẫn phải nộp báo cáo thuế cho tháng 1/2023 hoặc quý 1/2023.

d) Miễn Lệ Phí Môn Bài

Theo Khoản 5, Điều 4 của Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định người nộp lệ phí khi đang hoạt động có thể gửi văn bản thông báo tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Theo quy định, nếu văn bản xin tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh được gửi đến cơ quan thuế trước thời hạn phải nộp lệ phí (ngày 30 tháng 01 hàng năm) và chưa có sự nộp lệ phí môn bài của năm đó trong khi xin tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh, người nộp lệ phí sẽ không phải nộp lệ phí môn bài trong năm tạm ngừng kinh doanh.

e) Doanh nghiệp thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh hay cơ quan thuế

Theo Điểm a, Khoản 1, Điều 4 và Điểm a, Khoản 1, Điều 26 của Nghị định 126/2020/NĐ-CP, cơ quan đăng ký kinh doanh gửi thông tin về tạm ngừng kinh doanh cho cơ quan thuế. Do đó, doanh nghiệp chỉ cần thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh mà không cần thông báo cho cơ quan thuế.
Đối với thủ tục thông báo tạm ngừng, doanh nghiệp nên bắt đầu nộp hồ sơ từ đầu tháng 12 để thông báo tạm ngừng kinh doanh cho năm tiếp theo thông qua cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp tại https://dangkykinhdoanh.gov.vn/. Việc này giúp doanh nghiệp tránh phát sinh lỗi và tiết kiệm thời gian trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính công.
Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc bài viết này. Hy vọng bạn đã có được những thông tin bổ ích. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều thông tin cũng như cơ hội việc làm tại AGS nhé.   

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Nguồn:
  •  https://luatvietan.vn/thu-tuc-tam-ngung-hoat-dong-doanh-nghiep.html
  • https://apolatlegal.com/vi/blog/thu-tuc-tam-ngung-hoat-dong-kinh-doanh/#:~:text=Theo%20%C4%90i%E1%BB%81u%2066%20Ngh%E1%BB%8B%20%C4%91%E1%BB%8Bnh,ty%20ch%C3%ADnh%20th%E1%BB%A9c%20t%E1%BA%A1m%20ng%E1%BB%ABng.

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ