Công ty Kế toán AGS Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và cung cấp dịch
vụ Kế toán, Kiểm toán, Thuế, Tư vấn quản lý, chuyển đổi và tái cơ cấu doanh
nghiệp.
Trong bài viết này công ty AGS sẽ chia sẻ về chủ đề Xu hướng đào tạo nhân lực
ngành Kiểm toán trong bối cảnh chuyển đổi số. Bài viết dành cho các công ty
cung cấp dịch vụ Kiểm toán đang lên kế hoạch xây dựng chiến lược và phát triển
nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu số hóa ở bối cảnh hiện tại.
Bài viết có các từ viết tắt như sau: Kiểm toán viên (KTV), Công nghệ thông tin (CNTT)
Cùng tìm hiểu kỹ hơn về chủ đề này qua bài viết dưới đây nhé.
Chuyển đổi số đang ngày càng có tác động mạnh
mẽ tới nguồn nhân lực của xã hội, trong đó nhân lực kiểm toán cũng chịu ảnh
hưởng không nhỏ. Để giải quyết vấn đề nguồn nhân lực kiểm toán đáp ứng được
yêu cầu trong thời kỳ đổi mới đòi hỏi các trường đại học đào tạo chuyên ngành
Kiểm toán cần phải thay đổi một cách toàn diện chương trình đào tạo, nội dung
và phương pháp giảng dạy nhằm tạo ra nguồn nhân lực kiểm toán chất lượng ngay
từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Bài viết xem xét tác động của chuyển đổi
số tới việc đào tạo nguồn nhân lực kiểm toán, từ đó làm căn cứ đưa ra giải
pháp đào tạo trong kỷ nguyên công nghệ hiện nay.
1. Vấn đề hiện nay
- Chuyển đổi số đã và đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất cũng như tác động mạnh mẽ đến khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có ngành Kiểm toán. Việc học tập trong thời đại công nghệ số và mạng Internet vượt qua sự giới hạn về không gian, thời gian. Những kiến thức, thông tin cơ bản ở hầu khắp các lĩnh vực từ xưa đến nay hầu như có thể tìm trên Internet và chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hay máy tính bảng người học có thể dễ dàng tìm được. Hơn thế nữa, người học có thể trao đổi trực tiếp với giáo viên. Điều này đặc biệt thuận lợi cho việc xây dựng một xã hội học tập với nhu cầu học tập suốt đời, học ở mọi nơi và mọi thời điểm. Chuyển đổi số đòi hỏi giáo dục – đào tạo phải tạo ra được những cá nhân năng động, tự lập, có các kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, nhất là phát huy được tối đa óc sáng tạo của mỗi người.
- Thực tiễn trong ngành Kiểm toán, chuyển đổi số là động lực giúp các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực kiểm toán ở các quốc gia, vùng lãnh thổ phát triển, nắm bắt và thay đổi kịp thời để thích nghi với công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động và chất lượng công việc. Chuyển đổi số đã thay đổi căn bản hoạt động kiểm toán tại các doanh nghiệp, giúp cho hoạt động kiểm toán diễn ra nhanh hơn, chính xác hơn, tiết kiệm hơn và đem lại nhiều giá trị hơn cho xã hội.
- Nguồn nhân lực KTV của Việt Nam hiện nay tuy đã sẵn sàng hội nhập kinh tế, nhưng số lượng và chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. Do đó, để đáp ứng yêu cầu hội nhập thì xu hướng đào tạo kiểm toán cũng phải thay đổi để thích ứng và bắt kịp với xu hướng hiện nay.
2. Yêu cầu của chuyển đổi số đối với nhân lực Kiểm toán
Ngoài đáp ứng yêu cầu hội nhập, chuẩn mực quốc
tế, việc sử dụng thành tựu khoa học công nghệ giúp đẩy nhanh việc hình thành
môn học Kiểm toán số (Digital Auditing), tự động hoá quy trình, đổi mới phương
pháp và tạo nhận thức mới về chức năng của kiểm toán. Trong kỷ nguyên công
nghệ số và hội nhập quốc tế hiện nay, những người làm trong lĩnh vực kiểm toán
phải có những kỹ năng nghề nghiệp cần thiết như:
- Một là, để nhân lực ngành Kiểm toán có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng tốt và thích ứng với sự thay đổi của công nghệ và toàn cầu hóa thì KTV phải am hiểu kiến thức chuyên môn, trau dồi kinh nghiệm, thường xuyên cập nhật những đổi mới. Cần giữ vững đạo đức nghề nghiệp, góp phần phát triển kỹ năng nghiệp vụ, kinh nghiệm và tư duy dự báo cho các KTV.
- Hai là, phải ý thức được tầm quan trọng của công nghệ để ứng dụng phù hợp xu thế, tiết kiệm nguồn lực và gia tăng hiệu quả công việc. Dữ liệu lớn mang lại cho con người sự tiếp cận với nguồn kiến thức vô hạn, giúp con người có thể tìm hiểu bất kỳ điều gì cần biết, nhưng có hạn chế là nhiều thông tin không chính thống. Nó khiến chúng ta phải cẩn trọng khi tiếp cận với thông tin và sử dụng thông tin.
- Ba là, KTV phải luôn cập nhật những thay đổi của công nghệ. Sự thay đổi theo lượt, theo phiên bản được tạo ra để làm cho thế giới hiện đại hơn. Do đó, trong tương lai, mọi thứ sẽ thay đổi và tiến bộ hơn, máy móc và phần mềm sẽ làm việc thay thế con người.
- Bốn là, thích nghi với những thay đổi của công việc, các công việc mới dành cho ngành Kiểm toán cũng sẽ dần xuất hiện, chẳng hạn: phân tích dữ liệu, dự báo xu hướng phát triển và quản trị sự thay đổi mang lại hiệu quả tức thời cho doanh nghiệp. Sự phát triển của công nghệ mới sẽ luôn đi kèm với những vấn đề mới phát sinh. Với trí tuệ nhân tạo (AI), những công việc thủ công như: thu thập, xử lý, tính toán số liệu… đều có thể bị thay thế. Máy móc có thể thay thế con người trong công việc cụ thể được lập trình trước chứ không thay thế trong việc đưa ra nhận định, tư vấn trong các trường hợp phát sinh đặc biệt với tính chất mới, điều kiện liên tục thay đổi.
3. Thực trạng đào tạo và phát triển nhân lực kiểm toán trong chuyển đổi số
- Theo kết quả nghiên cứu của mạng việc làm và tuyển dụng uy tín của Việt Nam Navigos Group thì nhu cầu kế toán, kiểm toán, tài chính xếp thứ 3 trong 5 bộ phận chức năng có nhu cầu tuyển dụng cao nhất. Do đó, các trường đại học cũng đang tích cực mở rộng việc đào tạo nhân lực kiểm toán để đáp ứng được yêu cầu thị trường. Tuy nhiên, thực trạng đào tạo thực tế chưa đáp ứng được các nhu cầu ngày càng cao của các nhà tuyển dụng về chất lượng nguồn nhân lực ngành nghề này.
- Chương trình đào tạo kiểm toán của các trường đại học thường thiên về lý thuyết nhiều hơn thực hành, tập trung chủ yếu vào việc đào tạo kiến thức, ít đào tạo nâng cao kỹ năng mềm như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả, kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề… Một số trường đại học đã thực hiện đổi mới chương trình đào tạo theo hướng chuẩn CDIO, nhưng việc thực hiện còn chậm và chưa triệt để. Các trường cũng đã có những học phần giúp sinh viên chuyên ngành Kiểm toán nâng cao khả năng sử dụng ngoại ngữ.
- Phương pháp dạy học chủ yếu là thuyết trình và thực hành bài tập (chiếm trên 70%) làm cho người học vẫn còn học tập thụ động theo lối truyền thống thầy đọc, trò chép trên lớp dẫn đến việc sinh viên còn chưa có ý thức cao trong việc tự học tập, tự nghiên cứu tài liệu, tính chủ động nghiên cứu còn thấp.
- Bên cạnh đó, việc trang bị và sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin phục vụ cho quá trình giảng dạy trong các trường đại học chưa đa dạng, chưa tích hợp được nhiều với công nghệ hiện đại nên sinh viên khi ra trường thì trình độ sử dụng máy tính với các ứng dụng liên quan đến công tác kiểm toán còn hạn chế.
- Để đào tạo nguồn nhân lực kiểm toán thích ứng với nền chuyển đổi số, bắt buộc các trường đại học có đào tạo chuyên ngành Kiểm toán phải đổi mới tư duy về giáo dục, đổi mới mô hình, chương trình và phương thức đào tạo, sẵn sàng tiếp nhận những thách thức từ sự phát triển.
- Mục tiêu đào tạo không chỉ là sinh viên ra trường có việc làm mà còn phải đào tạo ra công dân toàn cầu có năng lực tư duy đổi mới, sáng tạo và có khả năng lĩnh hội được các kỹ thuật tiên tiến trong kỷ nguyên cách mạng số.
- Ngoài ra, để có thể hòa nhập với thế giới, sử dụng các thành tựu khoa học tiên tiến trên thế giới đòi hỏi quá trình đào tạo nhân lực kiểm toán phải chú trọng đến vấn đề nâng cao khả năng sử dụng ngoại ngữ của họ. Để làm được điều này, đòi hỏi các trường phải có đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, ngoài ra cần có chính sách thu hút nhân lực, giữ chân người tài để họ an tâm công tác, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Theo xu hướng hiện nay, các trường đại học dần hoạt động theo cơ chế tự chủ, do đó việc chủ động tìm kiếm các nguồn lực đầu tư bên ngoài, mở rộng hoạt động liên doanh, liên kết trong và ngoài nước về đào tạo và nghiên cứu khoa học cũng là vấn đề cần được các trường quan tâm trong việc cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của trị trường lao động không chỉ trong nước mà toàn cầu.
4. Một số giải pháp đề xuất
4.1 Về phía các cơ sở đào tạo
4.1.1 Đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy.
- Cơ sở đào tạo cần chú trọng xây dựng, rà soát lại chương trình đào tạo chuyên ngành Kiểm toán phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới và phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn nhằm cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho xã hội. Cần thay đổi quan điểm đào tạo theo hướng xuất phát từ những gì mình có mà phải xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn (đó là cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho xã hội). Đổi mới nội dung chương trình đào tạo để người học thông qua chương trình này sẽ có được những kiến thức vừa có tính hiện đại, tính thực tiễn, vừa có tính hàn lâm, tính ứng dụng, vừa có năng lực nghiên cứu, kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu phù hợp với các kỹ năng được xác định trong chuẩn đầu ra.
- Chương trình đào tạo phải đổi mới theo hướng tiếp cận và kế thừa những mặt tích cực từ chương trình đào tạo của các trường đại học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới về lĩnh vực kế toán nhằm giúp sinh viên có thể hội nhập và thực hành một cách có hiệu quả trong môi trường làm việc quốc tế. Bên cạnh đó, các trường cần thiết kế chương trình đào tạo những nội dung chuyên môn có tính chất đặc thù về môi trường pháp lý và môi trường hoạt động tại Việt Nam để người học có thể thực hiện được công việc chuyên môn một cách thành thạo sau khi tốt nghiệp.
- Phát triển nội dung đào tạo giúp sinh viên khi ra trường thích ứng kịp thời với thời đại công nghệ số. Ngoài giảng dạy kiến thức chuyên môn, cần tập trung đào tạo các kỹ năng cần thiết như: kỹ năng giao tiếp hiệu quả; làm việc nhóm hiệu quả; kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề trên cơ sở tôn trọng đạo đức nghề nghiệp. Phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình đào tạo thạc sỹ chuyên ngành được học tập tối thiểu 30% thời lượng trong môi trường số.
- Đào tạo nguồn nhân lực kiểm toán theo hướng lấy người học làm trung tâm nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, tích cực của người học, khuyến khích tư duy độc lập. Các trường nên tổ chức các khóa học đào tạo về CNTT và các kỹ năng mềm khác như: làm việc nhóm, giao tiếp hiệu quả, tư duy phản biện và giải quyết vấn đề… từ đó giúp sinh viên hiểu sâu sắc hơn về lý luận và rèn luyện được kỹ năng nghề, kỹ năng mềm để có thể sử dụng những hiểu biết, nhận thức của mình vào trong công việc kế toán, đem lại hiệu quả công việc cao hơn, đáp ứng xu thế phát triển của thời đại. Đồng thời, cùng với xu hướng hội nhập hóa toàn cầu, sinh viên kiểm toán cần phải tích cực tham gia các giao dịch, làm việc được với đối tác nước ngoài.
- Ngoài ra, hiện nay có rất nhiều phần mềm sử dụng ngôn ngữ nước ngoài như: tiếng Anh, tiếng Trung Quốc…do đó, sinh viên còn cần phải có trình độ ngoại ngữ tốt thì mới có khả năng tiếp cận và sử dụng được các loại thiết bị này và thực hiện các giao dịch quốc tế trong tương lai. Vì thế, các trường đại học cũng cần tập trung tăng cường giảng dạy các môn học ngoại ngữ bằng cách giảng dạy các môn học chuyên ngành bằng ngoại ngữ.
4.1.2 Gắn kết chặt chẽ với các tổ chức nghề nghiệp trong nước và quốc tế
Các trường đại học cần gắn kết chặt chẽ với
các tổ chức nghề nghiệp trong nước và quốc tế để từng bước đưa vào chương
trình đào tạo những nội dung có tính ứng dụng chuyên nghiệp đã được các tổ
chức nghiên cứu, tổng hợp và áp dụng trong quá trình đào tạo các loại chứng
chỉ hành nghề được công nhận rộng rãi ở Việt Nam và quốc tế.
4.1.3 Thiết lập mối quan hệ giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp trong và ngoài nước
Điều này giúp hoạt động đào tạo và nghiên cứu
được gắn kết, giải quyết vấn đề thực tiễn, đáp ứng tốt yêu cầu của doanh
nghiệp. Chính những ý kiến và đóng góp của doanh nghiệp sẽ là cơ sở quan trọng
để các trường đại học điều chỉnh kịp thời chuẩn đầu ra và đổi mới chương trình
đào tạo.
4.1.4 Nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên
- Giảng viên cần thành thạo ngoại ngữ để phục vụ cho việc nghiên cứu và trao đổi học thuật cũng là một trong những yêu cầu cơ bản mà đội ngũ giảng viên cần phải có để đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo theo chương trình tiên tiến quốc tế. Ngoài ra, giảng viên cũng cần trau dồi về kỹ năng sử dụng CNTT để ứng dụng CNTT vào hoạt động giảng dạy nhằm nâng cao tính sáng tạo, linh hoạt để sinh viên không cảm thấy nhàm chán, tiết học trở nên sinh động hơn, điều này kích thích tư duy và thu hút việc tham gia xây dựng bài của người học.
- Để việc giảng dạy đuổi theo kịp xu thế, giảng viên còn phải sử dụng các nguồn tài liệu từ thư viện điện tử, tài nguyên mở để phát triển và làm giàu tư liệu dạy học với cấu trúc số hóa theo phương thức mọi lúc, mọi nơi.
4.1.5 Phát triển nội dung đào tạo tạo sự thích ứng cho sinh viên
Ngoài giảng dạy kiến thức chuyên môn, cần tập
trung đào tạo các kỹ năng cần thiết như: kỹ năng giao tiếp hiệu quả, làm việc
nhóm; kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề trên cơ sở tôn trọng đạo
đức nghề nghiệp. Ngoài ra, cần tăng cường giảng dạy ngoại ngữ và ngoại ngữ
chuyên ngành để sinh viên có thể chuyển đổi sang bằng cấp quốc tế dễ dàng hơn.
4.2 Về phía người học
- Kỷ nguyên số mang lại rất nhiều cơ hội và thách thức, với cá nhân người làm việc trong lĩnh vực kiểm toán phải nâng cao khả năng công nghệ và tầm nhìn, đồng thời là năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Mỗi cá nhân hoạt động trong lĩnh vực kiểm toán cần ý thức được tầm quan trọng của công nghệ để ứng dụng vào công việc, tiết kiệm nguồn lực và gia tăng hiệu quả công việc. Phương tiện không thể thiếu đối với mỗi kiểm toán là ngôn ngữ quốc tế.
- Cơ hội sẽ ngày càng mở rộng hơn cho đội ngũ kiểm toán đạt chuẩn quốc tế, họ sẽ được công nhận hoạt động ở nhiều nước trên thế giới,…do đó, mỗi cá nhân chủ động trang bị thêm cho mình những kiến thức và bằng cấp đạt chuẩn như: CPA, ACCA, CIA, CMA… là một giải pháp để nâng cao tính cạnh tranh. Bên cạnh kỹ năng chuyên môn, mỗi KTV cần bồi dưỡng cho mình các kỹ năng sử dụng phần mềm kế toán, phần mềm phân tích, quản trị… cũng như rèn luyện các kỹ năng mềm cần thiết khác như ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh), nâng cao chỉ số cảm xúc, hiểu biết cần thiết về bảo mật thông tin, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây… để tạo ra lợi thế cho bản thân trong tương lai gần cũng như có thể bảo đảm những kỹ năng công việc cần có.
- Chuyển đổi số không chỉ đem lại cho cá nhân mà cho cả các doanh nghiệp có nhiều cơ hội và cả thách thức. Đối với người làm việc trong ngành Kiểm toán cũng phải không ngừng nâng cao khả năng chuyên môn và đạo đức phù hợp với thời đại.
5. Kết luận
Chuyển đổi số đã và đang phát triển vô cùng
mạnh mẽ, nó vừa là cơ hội nhưng đồng thời cũng là thách thức đối với nhân lực
ngành Kiểm toán. Các trường đại học nếu không nắm bắt và đáp ứng được xu thế
của thời đại thì chắc chắn sẽ bị đào thải nếu không thay đổi tư duy đào tạo.
Vì thế, việc thay đổi phương thức giảng dạy, đổi mới chương trình đào tạo, đầu
tư trang thiết bị theo hướng tích hợp công nghệ số sẽ là yêu cầu tất yếu đáp
ứng đòi hỏi của sự phát triển, hội nhập và nhất là trong thời đại phát triển
của công nghệ thông tin.
Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc bài viết này. Hy vọng bạn đã
có được những thông tin bổ ích. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi để cập nhật
thêm nhiều thông tin cũng như cơ hội việc làm tại AGS nhé.
Thông tin khác
Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn
Thông tin tuyển dụng và Hướng dẫn
AGS luôn mở rộng cánh cửa cho những ứng viên muốn thử thách bản thân trong lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán - Ngôn ngữ Nhật - Pháp lý - Nhân sự. Xem chi tiết bài viết để biết thêm về Thông tin tuyển dụng tại AGS bạn nhé!
AGS luôn mở rộng cánh cửa cho những ứng viên muốn thử thách bản thân trong lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán - Ngôn ngữ Nhật - Pháp lý - Nhân sự. Xem chi tiết bài viết để biết thêm về Thông tin tuyển dụng tại AGS bạn nhé!
Nguồn:https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/05/20/xu-huong-dao-tao-nhan-luc-nganh-kiem-toan-trong-boi-canh-chuyen-doi-so/