"Vàng hóa" nền kinh tế là gì

Công ty Kế toán AGS Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và cung cấp dịch vụ Kế toán, Kiểm toán, Thuế, Tư vấn quản lý, chuyển đổi và tái cơ cấu doanh nghiệp.

 Bải viết dưới đây, chúng tôi đề cập đến hệ lụy của hiện tường "Vàng hóa" nền kinh tế là gì. Cùng tìm hiểu kĩ hơn về chủ đề này qua bài viết dưới đây nhé.



Vàng được biết đến là “vịnh tránh bão” cho dòng tiền, là nơi trú ẩn chống lại khủng hoảng, lạm phát, sự mất giá của tiền tệ. Thời gian trước đây, trên các phương tiện truyền thông luôn tràn ngập những cụm từ “vượt đỉnh”, “đu đỉnh”, “xác lập kỷ lục mới” để nói về vàng. Một loại hàng hóa đang làm giới đầu tư và người dân “phát sốt” vì mức độ tăng giá khủng khiếp của nó. Tuy nhiên, đi cùng với sự “sốt giá” của vàng là tiềm ẩn rủi ro về sự quay trở lại của hiện tượng “vàng hóa” nền kinh tế Việt Nam sau hơn 10 năm qua. Bài viết tìm hiểu thêm về hiện tượng vàng hóa và hệ lụy của hiện tượng ảnh hưởng đến nền kinh tế. 


"Vàng hóa" nền kinh tế 

“Vàng hóa” nền kinh tế là hiện tượng người dân tích trữ vàng quá nhiều, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản của họ, thay vì đầu tư vào các lĩnh vực khác như sản xuất, kinh doanh, dịch vụ .... và dần vàng trở thành một phương tiện thanh toán.

Năm 2011, tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế đã xảy ra khi thị trường vàng tạo sức hút rất lớn đối với nhà đầu tư, người dân. Vàng trở thành nơi “làm ăn” của giới đầu cơ khi diễn biến tăng giá đến chóng mặt của vàng, ước tính lượng giao dịch trung bình mỗi ngày của cửa hàng kinh doanh vàng cho biết, có thể lên tới hàng nghìn tỉ VNĐ. Giá vàng chạm đỉnh được ghi nhận là 48,9 triệu đồng/ 1 lượng, so với năm 2010 giá vàng đã tăng trung bình khoảng 39%. Đây chính là năm mà giá vàng lập đỉnh lần đầu tiên, đánh dấu sự xuất hiện “vàng hóa” nền kinh tế theo nghĩa vàng thay thế VNĐ trong một số chức năng tiền tệ ở Việt Nam.

Đến những tháng cuối năm 2023 cũng đã ghi nhận sự tăng tốc đáng kinh ngạc của giá vàng tại thị trường Việt Nam. Ngày 26/12/2023, giá vàng miếng SJC vọt lên sát 78,8-80 triệu đồng/lượng, có thời điểm chạm mốc 80,3 triệu đồng/lượng cao nhất lịch sử, xô đổ mọi kỷ lục giá vàng. Điểm bất thường là trong khi thế giới tăng chậm thì thị trường trong nước tăng “phi mã”, dẫn đến có thời điểm vàng trong nước cao hơn thế giới khoảng 18 triệu đồng/lượng, trong thời điểm nền kinh tế đang suy thoái, càng đặt ra sự nghi ngại liệu rằng hiện tượng “vàng hóa” nền kinh tế có quay trở lại.

Đến năm 2024 khi hàng loạt Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 5/2/2024 của Chính phủ, Công điện số 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại các công văn số 1035/VPCP-KTTH ngày 17/2/2024, công văn số 1696/VPCP-KTTH ngày 15/3/2024 và các văn bản có liên quan được áp dụng thì thị trường vàng mới bình ổn và được kiểm soát chặt chẽ trở lại. Tuy nhiên, giá vàng vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt khi cán mốc hơn 90 triệu/ 1 lượng. Điều này, thể hiện được sức hút của vàng và sự ưu chuộng của người dân với vàng.

Tuy nhiên, việc để vàng chiếm ưu thế quá lớn trong nền kinh tế sẽ kéo theo hàng loạt các hệ lụy nghiêm trọng tới nền kinh tế - xã hội.

Hệ lụy "Vàng hóa" nền kinh tế

  • Thứ nhất, tác động đến tỷ giá hối đoái. Hiện tượng “vàng hóa” nền kinh tế gây mất cân đối tạm thời trong cung - cầu vàng. Người dân dồn tiền vào vàng, nhu cầu vàng trong nước tăng, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu vàng tăng lên thậm chí xuất hiện hiện tượng đầu cơ, nhập lậu, từ đó gây áp lực lên cung - cầu ngoại tệ và việc ảnh hưởng đến tỷ giá là điều không thể tránh khỏi. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước năm 2011 cho thấy rõ, dự trữ ngoại hối của Việt Nam giảm từ 32,4 tỷ USD vào cuối năm 2010 xuống còn 29,3 tỷ USD vào cuối năm 2011.
  • Thứ hai, làm tăng tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế. Vàng vốn không được coi là hàng hóa, dịch vụ được tính trong chỉ giá tiêu dùng (CPI). Tuy nhiên, khi giá vàng tăng lên quá cao, người dân đổ xô tích trữ, đầu cơ vàng càng nhiều khiến cho tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế ngày càng thêm trầm trọng, Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì đồng tiền Việt Nam ngày càng bị thu hẹp do bị vàng lấn át và dần trở nên mất giá, ảnh hưởng đến an toàn, an ninh tiền tệ quốc gia. Cùng với đó sẽ làm tăng chi phí sản xuất, kéo theo lạm phát. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lạm phát năm 2011 đạt 18,13%, cao nhất trong vòng 10 năm, đánh dấu một mốc kỷ lục mới thời điểm lúc bấy giờ.
  • Thứ ba, tác động tiêu cực đến dòng vốn đầu tư. Khi nền kinh tế có hiện tượng “vàng hóa” thì người dân đã tìm mọi cách để mua được vàng, thay vì gửi tiền vào ngân hàng, mua hàng hóa, dịch vụ hay đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ. Điều này sẽ khiến ít tiền lưu thông, dòng vốn đầu tư bị ứ đọng. Thiếu vốn, kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế. Với cung - cầu vốn tín dụng trên thị trường tiền tệ lúc này sẽ dẫn đến lãi suất thị trường tiền tệ gia tăng, gây khó khăn cho các công ty, doanh nghiệp. Theo Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam, năm 2011, dòng tiền nhàn rỗi đổ vào ngân hàng và chứng khoán chỉ khoảng 35%, số còn lại đầu tư vào các kênh khác không có lợi cho nền kinh tế, trong đó chiếm phần lớn là đầu tư vào vàng. Tình trạng nguồn vốn đầu tư bị hạn chế đã ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam năm 2011, thể hiện qua các chỉ tiêu kinh tế sau: Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2011 đạt 5,9%, thấp hơn kế hoạch đề ra là 6,5 - 7%, lạm phát đạt 18,13%, cao nhất trong vòng 10 năm, tỷ lệ thất nghiệp đạt 2,2%, cao hơn năm 2010.
  • Thứ tư, tiềm ẩn nguy cơ đầu cơ vàng miếng, gây mất an ninh nền kinh tế. Khi nền kinh tế trở nên “chuộng vàng”, là cơ hội để các “nhóm lợi ích” nhũng nhiễu thị trường, khi các nhà đầu cơ mua vào vàng với số lượng lớn, gây nên những làn sóng giá ảo, gây bất ổn cho thị trường vàng và khiến người dân khó khăn trong việc mua bán vàng. Bên cạnh đó, đây cũng là lỗ hổng lớn tạo điều kiện cho các nhà đầu cơ có thể sử dụng vàng để thực hiện các hoạt động rửa tiền, trốn thuế, ... Điều này sẽ gây mất an ninh kinh tế và ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan chức năng.
  • Thứ năm, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý xã hội, gây mất an toàn, an ninh xã hội. Mỗi khi giá vàng tăng, người dân lại đổ xô đi mua vàng. Không thể phủ nhận là đã có nhiều người “đu đỉnh” thành công, thu về một khoản lợi nhuận cao nếu so với các kênh đầu tư khác bởi trong vòng chưa đầy 1 tháng, giá vàng đã tăng tới 10 - 12 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, cũng có không ít người đã phải “rơi nước mắt” vì vàng. Đó là những người có các khoản nợ cũ phải thanh toán bằng vàng như làm nhà, mua đất, hoặc phục vụ các nhu cầu khác đến hạn trả, buộc phải mua vàng vào thời điểm giá “chạm đỉnh”. Thậm chí, có nhiều trường hợp đi vay nóng hoặc rút tiết kiệm trước hạn để mua vàng, lướt sóng nhưng không thành công…Đặc biệt, với người lao động có mức thu nhập trung bình thấp thì việc tích lũy tài sản bằng vàng là việc không thể. Điều này hình thành nên tâm lý bất ổn trong nhân dân và ảnh hưởng xấu đến chính sách điều hành kinh tế của Nhà nước. 

Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết của chúng tôi. Hi vọng bài viết có thể cung cấp cho bạn sẽ có những thông tin bổ ích trong cuộc sống và công việc, và mở ra cho các bạn thêm những góc nhìn mới hơn về các vấn đề trong ngành nghề cũng như là các giá trị văn hóa của hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi đễ có thêm những thông tin bổ ích khác và cơ hội việc làm cực hấp dẫn tại Công ty AGS nữa nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Nguồn: https://jemmia.vn/blogs/thong-tin-huu-ich/vang-hoa-nen-kinh-te-la-gi-va-nhung-bien-phap-khac-phuc?srsltid=AfmBOopQJ4-6iKBME6iN03hw_LF-CvB1gVJJjpfjH3q_I_Y6ZLqdpJW5
Next Post Previous Post