Thủ tục phân tích trong kiểm toán báo cáo tài chính: Phương pháp và ứng dụng
I. Khái niệm về thủ tục phân tích
Theo chuẩn mực kiểm toán Việt Nam VSA 520 – Qui trình phân tích : “ Thủ tục phân tích là việc phân tích các số liệu, thông tin, các tỷ suất quan trọng, qua đó tìm những xu hướng, biến động và tìm ra những mâu thuẫn với các thông tin liên quan khác hoặc có sự chênh lệch lớn so với giá trị dự kiến”.
Thủ tục phân tích giúp kiểm toán viên xác định nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục kiểm toán khác. Thủ tục phân tích là phương pháp cần thực hiện để hạn chế rủi ro kiểm toán và giảm bớt khối lượng công việc thực hiện đặc biệt trong điều kiện hệ thống kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp tốt việc thực hiện thủ tục phân tích có thể giúp kiểm toán viên không sa vào các nghiệp vụ cụ thể mà vẫn đảm bảo không xảy ra sai sót trọng yếu.
II. Các phương pháp phân tích trong kiểm toán.
1. Phân tích xu hướng
Phân tích xu hướng là một thủ tục phân tích phổ biến nhất trong kiểm toán thông qua việc xem xét xu hướng biến động của số liệu theo thời gian từ đó phát hiện ra xu hướng bất thường( tăng hoặc giảm đột biến) mà không có lý do rõ ràng. Việc đánh giá một xu hướng là bất thường được xem xét trong mối quan hệ với các thông tin khác: tính chu kỳ, tính thời vụ, tác nhân ảnh hưởng bất thường.
Có thể phân chia thủ tục phân tích xu hướng thành 2 dạng là phân tích xu hướng giản đơn và phân tích hồi quy.
2. Phân tích tỷ suất
Phân tích tỷ suất bao gồm việc nghiên cứu mối quan hệ giữa hai hay nhiều biến động của các khoản mục trên báo cáo tài chính thông qua việc tính toán các tỷ số dựa trên các thông tin tài chính và phi tài chính của kỳ hiện tại, đối chiếu với các tỷ số này của kỳ trước hoặc với tỷ số bình quân ngành để xác định những biến động lớn cần tập trung phân tích.
Kiểm toán viên thường sử dụng 2 phương pháp phân tích tỷ suất: Phân tích tỷ suất tài chính và phân tích theo quy mô.
III. Ứng dụng thủ tục phân tích trong kiểm toán
-
Sử dụng trong giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán Thủ tục phân tích giúp kiểm toán viên hiểu rõ về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, xác định những lĩnh vực có rủi ro cao và từ đó thiết kế kế hoạch kiểm toán phù hợp. Bằng cách phân tích các xu hướng tài chính và tỷ suất quan trọng, kiểm toán viên có thể phát hiện các dấu hiệu bất thường và tập trung vào các vấn đề trọng yếu.
-
Sử dụng trong giai đoạn thực hiện kiểm toán Trong quá trình kiểm toán, thủ tục phân tích được sử dụng để đánh giá tính hợp lý của số liệu tài chính, hỗ trợ kiểm toán viên trong việc xác định những khoản mục cần kiểm tra chi tiết hơn. Nếu có sự khác biệt đáng kể giữa số liệu thực tế và dự kiến, kiểm toán viên sẽ tiến hành kiểm tra sâu hơn để xác định nguyên nhân và đánh giá mức độ ảnh hưởng.
-
Sử dụng trong giai đoạn kết thúc kiểm toán Ở giai đoạn này, thủ tục phân tích giúp kiểm toán viên có cái nhìn tổng quan về báo cáo tài chính và kiểm tra lại những phát hiện quan trọng. Việc phân tích các chỉ số tài chính và phi tài chính giúp xác nhận tính hợp lý của các kết luận kiểm toán trước khi đưa ra ý kiến kiểm toán chính thức.
IV. Hạn chế của thủ tục phân tích
Mặc dù thủ tục phân tích là công cụ hữu ích trong kiểm toán, nhưng nó cũng có một số hạn chế nhất định:
-
Không thể thay thế hoàn toàn các thủ tục kiểm toán chi tiết khác.
-
Phụ thuộc nhiều vào chất lượng dữ liệu và khả năng đánh giá của kiểm toán viên.
-
Có thể bỏ sót những sai sót trọng yếu nếu không thực hiện kết hợp với các thủ tục kiểm toán khác.
V. Kết luận
Thủ tục phân tích đóng vai trò quan trọng trong quá trình kiểm toán báo cáo tài chính, giúp kiểm toán viên đánh giá tính hợp lý của số liệu và xác định các vấn đề cần xem xét kỹ lưỡng hơn. Việc áp dụng hiệu quả các phương pháp phân tích sẽ giúp nâng cao chất lượng kiểm toán, đồng thời tối ưu hóa nguồn lực và thời gian thực hiện.
Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc bài viết này. Hy vọng bạn đã có được những thông tin bổ ích. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều thông tin cũng như cơ hội việc làm tại AGS nhé.
Thông tin khác
Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

AGS luôn mở rộng cánh cửa cho những ứng viên muốn thử thách bản thân trong lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán - Ngôn ngữ Nhật - Pháp lý - Nhân sự. Xem chi tiết bài viết để biết thêm về Thông tin tuyển dụng tại AGS bạn nhé!
Nguồn: Tổng hợp