Pháp luật về hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp M&A

2024/07/12

LuậtDoanhnghiệp LuậtKhác

Pháp luật về hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp M&A như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu về nội dung trên và các thủ tục liên quan qua bài viết sau cùng AGS:

1. Giao dịch M&A được quy định như thế nào theo pháp luật hiện hành?

Xuất phát từ thuật ngữ tiếng anh là Mergers (Sáp nhập) và Acquisitions (Mua lại). Hoạt động M&A có thể được xem là một phương pháp giành quyền kiểm soát của một công ty, doanh nghiệp thông qua hoạt động sáp nhập và mua lại công ty, doanh nghiệp đó.
Pháp Luật Việt Nam đã có những bước đầu trong quá trình đặt ra khung pháp lý điều chỉnh cho hoạt động này như sau:
  • Theo quy định Luật Doanh nghiệp 2020, Sáp nhập – Hợp nhất được liệt kê là hai trong số các hình thức tổ chức lại doanh nghiệp, theo đó:
    •  Điều 200 Luật Doanh nghiệp 2020 định nghĩa Hợp nhất công ty là “Hai hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị hợp nhất) có thể hợp nhất thành một công ty mới (sau đây gọi là công ty hợp nhất), đồng thời chấm dứt tồn tại của các công ty bị hợp nhất”;
    • Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2020 định nghĩa Sáp nhập doanh nghiệp là “Một hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (sau đây gọi là công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập”.
Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp cũng quy định về Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý DN là cũng là một hình thức biểu hiện của hoạt động M&A. Luật doanh nghiệp cũng cụ thể hóa các quyền này trong quy định của từng loại hình doanh nghiệp.
  • Luật Cạnh tranh 2018 cũng đồng thời liệt kê hoạt động M&A này thuộc các hình thức tập trung kinh tế, cụ thể:
    • Khoản 2 Điều 29 Luật Cạnh tranh 2018 quy định “Sáp nhập doanh nghiệp là việc một hoặc một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một doanh nghiệp khác, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập”;
    • Khoản 3 Điều 29 Luật Cạnh tranh 2018 quy định “Hợp nhất doanh nghiệp là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của các doanh nghiệp bị hợp nhất”;
    • Khoản 3 Điều 29 Luật Cạnh tranh 2018 quy định “Mua lại doanh nghiệp là việc một doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp mua toàn bộ hoặc một phần vốn góp, tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối doanh nghiệp hoặc một ngành, nghề của doanh nghiệp bị mua lại”
Mặc dù những quy định về hoạt động M&A còn sơ khai nhưng đã giúp Nhà nước có cơ sở để quản lý, điều chỉnh hoạt động này.

2. Các thủ tục khi thực hiện hoạt động M&A được quy định thế nào theo Luật Doanh nghiệp 2020?

2.1. Thủ tục hợp nhất công ty 

Quy định tại khoản 2 Điều 200 Luật Doanh nghiệp 2020.
Bước 1: Công ty bị hợp nhất chuẩn bị hợp đồng hợp nhất, dự thảo Điều lệ công ty hợp nhất.
Hợp đồng hợp nhất phải gồm các nội dung chủ yếu sau: tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty bị hợp nhất; tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty hợp nhất; thủ tục và điều kiện hợp nhất; phương án sử dụng lao động; thời hạn, thủ tục và điều kiện chuyển đổi tài sản, chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty bị hợp nhất thành phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty hợp nhất; thời hạn thực hiện hợp nhất.
Bước 2: Các thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc cổ đông của công ty bị hợp nhất thông qua hợp đồng hợp nhất, Điều lệ công ty hợp nhất, bầu hoặc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty hợp nhất.
Hợp đồng hợp nhất phải được gửi đến các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông qua.
Bước 3: Tiến hành đăng ký doanh nghiệp đối với công ty hợp nhất theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020.

2.2. Thủ tục sáp nhập doanh nghiệp

Quy định tại khoản 2 Điều 200 Luật Doanh nghiệp 2020:
    Bước 1: Các công ty liên quan chuẩn bị hợp đồng sáp nhập và dự thảo Điều lệ công ty nhận sáp nhập:
    Hợp đồng sáp nhập phải gồm các nội dung chủ yếu sau: tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty nhận sáp nhập; tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty bị sáp nhập; thủ tục và điều kiện sáp nhập; phương án sử dụng lao động; cách thức, thủ tục, thời hạn và điều kiện chuyển đổi tài sản, chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty bị sáp nhập thành phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty nhận sáp nhập; thời hạn thực hiện sáp nhập;
    Bước 2: Các thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc các cổ đông của các công ty liên quan thông qua hợp đồng sáp nhập, Điều lệ công ty nhận sáp nhập.
    Hợp đồng sáp nhập phải được gửi đến tất cả chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông qua;
    Bước 3: Thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp công ty nhận sáp nhận theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020.

    3. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hậu thương vụ M&A phải có những nội dung gì?

    • Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với các công ty được thành lập trên cơ sở hợp nhất công ty được quy định tại theo Điều 25 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, gồm:
      • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
      • Điều lệ công ty;
      • Bản sao các giấy tờ sau đây:
        • Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
        • Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ sở hữu công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức (trừ trường hợp chủ sở hữu công ty là Nhà nước); Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền;
        • Đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
      • Hợp đồng hợp nhất;
      • Nghị quyết, quyết định về việc thông qua hợp đồng hợp nhất công ty của các công ty bị hợp nhất và bản sao biên bản họp Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
    • Đối với sáp nhập doanh nghiệp hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp của công ty nhận sáp nhập phải có các giấy tờ tương ứng quy định tại Chương VI và Khoản 2 Điều 61 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, gồm:
      • Hợp đồng sáp nhập;
      • Nghị quyết và biên bản họp thông qua hợp đồng sáp nhập của các công ty nhận sáp nhập;
      • Nghị quyết và biên bản họp thông qua hợp đồng sáp nhập của các công ty bị sáp nhập, trừ trường hợp công ty nhận sáp nhập là thành viên sở hữu trên 65% vốn điều lệ của công ty bị sáp nhập;
      • Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác của các công ty bị hợp nhất.
    Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/phap-luat-doanh-nghiep/cau-hoi-thuong-gap/phap-luat-ve-hoat-dong-mua-ban-va-sap-nhap-doanh-nghiep-m-a-nhu-the-nao-4383.html

    Tìm kiếm Blog này

    AGS Accounting会社紹介(JP)

    Translate

    Lưu trữ Blog

    QooQ