Phí và lệ phí đăng ký nhãn hiệu

2024/08/20

LuậtThươngmại

Hiện nay, nhu cầu đăng ký nhãn hiệu nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích của chủ sở hữu là vấn đề nhận được sự quan tâm đông đảo. Vậy, mức phí và lệ phí để thực hiện thủ tục này được quy định như thế nào? Hãy tìm hiểu cùng Công ty Kế Toán AGS VIETNAM qua bài viết sau:

1. Phí và lệ phí đăng ký nhãn hiệu hiện nay là bao nhiêu?

Căn cứ vào Biểu mức thu phí, lệ phí sở hữu công nghiệp ban hành kèm theo Thông tư 263/2016/TT-BTC quy định về phí và lệ phí đăng ký nhãn hiệu hiện nay như sau:

  • Lệ phí nộp đơn: 150.000VNĐ
  • Phí công bố đơn: 120.000VNĐ
  • Phí tra cứu phục vụ TĐND: 180.000VNĐ/01 nhóm sản phẩm, dịch vụ
  • Phí tra cứu cho sản phẩm, dịch vụ thứ 7 trở đi: 30.000VNĐ/01 sản phẩm, dịch vụ
  • Phí thẩm định nội dung: 550.000VNĐ/01 nhóm sản phẩm, dịch vụ
  • Phí thẩm định nội dung cho sản phẩm/dịch vụ thứ 7 trở đi: 120.000VNĐ/01 sản phầm, dịch vụ.

2. Thẩm định hình thức đơn đăng ký nhãn hiệu được quy định như thế nào?

Căn cứ vào Điều 109 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định như sau:

Thẩm định hình thức đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

1. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được thẩm định hình thức để đánh giá tính hợp lệ của đơn.

2. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bị coi là không hợp lệ trong các trường hợp sau đây:

a) Đơn không đáp ứng các yêu cầu về hình thức;

b) Đối tượng nêu trong đơn là đối tượng không được bảo hộ;

c) Người nộp đơn không có quyền đăng ký, kể cả trường hợp quyền đăng ký cùng thuộc nhiều tổ chức, cá nhân nhưng một hoặc một số người trong số đó không đồng ý thực hiện việc nộp đơn;

d) Đơn được nộp trái với quy định về cách thức nộp đơn quy định tại Điều 89 của Luật này;

đ) Người nộp đơn không nộp phí và lệ phí.

3. Đối với đơn đăng ký sở hữu công nghiệp thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thực hiện các thủ tục sau đây:

a) Thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ, trong đó phải nêu rõ lý do và ấn định thời hạn để người nộp đơn sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối dự định từ chối;

b) Thông báo từ chối chấp nhận đơn hợp lệ nếu người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót, sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu hoặc không có ý kiến xác đáng phản đối dự định từ chối quy định tại điểm a khoản này;

c) Thông báo từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn đối với đơn đăng ký thiết kế bố trí;

d) Thực hiện thủ tục quy định tại khoản 4 Điều này nếu người nộp đơn sửa chữa thiếu sót đạt yêu cầu hoặc có ý kiến xác đáng phản đối dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ quy định tại điểm a khoản này.

4. Đối với đơn đăng ký sở hữu công nghiệp không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này hoặc thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 3 Điều này thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra thông báo chấp nhận đơn hợp lệ hoặc thực hiện thủ tục cấp văn bằng bảo hộ và ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điều 118 của Luật này đối với đơn đăng ký thiết kế bố trí.

5. Đơn đăng ký nhãn hiệu bị từ chối theo quy định tại khoản 3 Điều này bị coi là không được nộp, trừ trường hợp đơn được dùng làm căn cứ để yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.

Như vậy, đơn đăng ký nhãn hiệu được thẩm định hình thức để đánh giá tính hợp lệ của đơn.

Trường hợp đơn đăng ký nhãn hiệu không hợp lệ thì cơ quan tiếp nhận đơn sẽ sẽ ra thông báo dự định từ chối đơn và yêu cầu tổ chức, cá nhân nộp đơn sửa chữa những sai sót hoặc có ý kiến phản đối.

Nếu như tổ chức, cá nhân nộp đơn đăng ký nhãn hiệu không sửa chữa thiếu sót hoặc không có ý kiến phản đối thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận đơn đăng ký nhãn hiệu sẽ ra thông báo từ chối chấp nhận đơn hợp lệ.

3. Thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu như thế nào?

Căn cứ vào Điều 114 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định như sau:

Thẩm định nội dung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

1. Những đơn đăng ký sở hữu công nghiệp sau đây được thẩm định nội dung để đánh giá khả năng cấp văn bằng bảo hộ cho đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ và xác định phạm vi bảo hộ tương ứng:

a) Đơn đăng ký sáng chế đã được công nhận là hợp lệ và có yêu cầu thẩm định nội dung nộp theo quy định;

b) Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, đơn đăng ký nhãn hiệu, đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý đã được công nhận là hợp lệ.

2. Đơn đăng ký thiết kế bố trí không được thẩm định nội dung.

3. Cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp có thể sử dụng kết quả thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế trùng với sáng chế được yêu cầu bảo hộ do cơ quan sáng chế nước ngoài thực hiện trong quá trình đánh giá khả năng bảo hộ.

4. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết việc sử dụng kết quả thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế quy định tại khoản 3 Điều này.

Theo đó, đơn đăng ký nhãn hiệu chỉ được thẩm định nội dung khi đã được công nhận là hợp lệ.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/phap-luat/ho-tro-phap-luat/phi-va-le-phi-dang-ky-nhan-hieu-hien-nay-duoc-quy-dinh-nhu-the-nao-the-nao-la-tham-dinh-noi-dung-va-36175.html

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ