Trong guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, thu nhập cá nhân không chỉ
là thước đo năng lực và sự cống hiến, mà còn là nền tảng để mỗi người xây
dựng cuộc sống, đảm bảo tương lai cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, hành
trình chinh phục những mục tiêu tài chính ấy đôi khi lại vấp phải những
"điểm nghẽn" từ chính sách thuế TNCN hiện hành. Suốt một thời gian dài, Luật
Thuế TNCN đã đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết nguồn thu, góp
phần vào ngân sách quốc gia và thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội. Thế
nhưng, khi nhìn nhận một cách khách quan và đặt nó trong bối cảnh kinh tế -
xã hội đang không ngừng chuyển động, chúng ta không thể phủ nhận rằng, hệ
thống các quy định hiện tại đang dần bộc lộ những dấu hiệu "lệch pha" so với
thông lệ quốc tế và thiếu đi sự sát thực tế trong đời sống của người dân.
Câu chuyện về việc mức thu thuế tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng thu nhập
bình quân đầu người, như một "gánh nặng" vô hình, đang dần trở thành một chủ
đề được bàn luận sôi nổi. Nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của
người lao động, làm giảm đi động lực làm việc và tích lũy, mà còn đặt ra
những thách thức không nhỏ cho mục tiêu đảm bảo công bằng xã hội mà thuế
TNCN vốn dĩ được kỳ vọng. Liệu mức giảm trừ gia cảnh hiện tại có còn thực sự
phản ánh đúng chi phí sinh hoạt ngày càng leo thang? Liệu khoảng cách giữa
các bậc thuế có đang tạo ra một áp lực quá lớn cho những người có thu nhập
cao, thậm chí làm suy giảm động lực cống hiến của lực lượng lao động chất
lượng cao? Và liệu những quy định về người phụ thuộc có còn phù hợp với cấu
trúc gia đình và những biến đổi trong xã hội hiện đại?
Những câu hỏi này không chỉ là sự trăn trở của riêng người nộp thuế, mà còn
là tiếng chuông gióng lên về sự cần thiết của một cuộc cải cách thuế TNCN
sâu rộng và toàn diện. Một hệ thống thuế TNCN hiệu quả không chỉ đơn thuần
là công cụ thu ngân sách, mà còn phải là đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh
tế, khuyến khích lao động sáng tạo và đảm bảo sự công bằng trong phân phối
thu nhập. Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận một cách nghiêm túc, đối chiếu
với những thông lệ quốc tế tiên tiến và lắng nghe những tiếng nói từ thực
tiễn cuộc sống, để xây dựng một hệ thống thuế TNCN không chỉ "thu đúng, thu
đủ" mà còn "thu hợp lý", góp phần kiến tạo một xã hội phát triển bền vững và
công bằng hơn.
Bạn hãy cùng AGS tìm hiểu qua bài viết này nha!
Thực trạng hiện tại của Luật Thuế Thu nhập cá nhân
Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) được ban hành với mục tiêu điều tiết thu
nhập, đảm bảo công bằng xã hội, khuyến khích lao động và đóng góp vào ngân
sách nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, đến giai đoạn hiện nay, hệ
thống các quy định đã bắt đầu bộc lộ một số bất cập khi mức thu thuế tăng
nhanh hơn thu nhập bình quân đầu người, tạo áp lực tài chính lên người lao
động, ảnh hưởng tới các mục tiêu khác ngoài thu thuế.
|
Hội thảo Luật Thuế TNCN, đảm bảo công bằng, thúc đẩy tăng trưởng do
Báo Lao động tổ chức tại Hà Nội.
|
PGS.TS Phan Hữu Nghị – Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học
Kinh tế Quốc dân cho biết: thuế TNCN là một trong 9 loại thuế của Việt Nam
hiện nay. Năm 2024, sắc thuế này đóng góp hơn 198 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng
10%) vào tổng thu ngân sách nhà nước. Tỷ trọng thu thuế trên tổng thu ngày một
tăng đã góp phần điều tiết thu nhập tạo công bằng. Tuy nhiên trong quá trình
áp dụng cùng với sự thay đổi của nền kinh tế, xã hội, thuế TNCN bộc bộ những
hạn chế cần chỉnh sửa bổ sung hướng đến mục tiêu đảm bảo công bằng xã hội,
tăng nguồn thu ngân sách và thích ứng với sự thay đổi của nền kinh tế với
chiến lược tăng trưởng hai con số từ năm 2026.
|
PGS. TS Phan Hữu Nghị phát biểu tại Hội thảo
|
Phân tích kĩ hơn, PGS. TS Phan Hữu Nghị chỉ ra, dữ liệu thuế TNCN và thu
nhập bình quân đầu người giai đoạn 2020 - 2024 cho thấy mức thu thuế tăng
nhanh hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người.
Ông Phan Hữu Nghị nhận định: Từ năm 2020 đến 2024, tổng thu thuế TNCN tăng
72%, trong khi thu nhập bình quân đầu người chỉ tăng 30,2%. Điều này dẫn đến
thực trạng số thuế phải nộp ngày càng cao so với mức thu nhập thực tế của
người dân".
Cùng quan điểm, PGS.TS Lê Xuân Trường – Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học
viện Tài chính cho biết, quy định về giảm trừ gia cảnh chưa thực sự linh
hoạt, chưa phản ánh đúng thực tế đời sống.
"Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay khá cao so với GDP bình quân đầu người,
nhưng khi so sánh với các nước trong khu vực, Việt Nam vẫn chịu mức điều
tiết thuế cao hơn"- ông Lê Xuân Trường phân tích.
Phân tích về bất cập trong cách tính thuế, bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội
Tư vấn Thuế Việt Nam (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế) chỉ ra rằng:
Khoảng cách giữa các bậc thuế quá hẹp, khiến những người có thu nhập cao bị
điều tiết thuế mạnh hơn, chưa tạo động lực khuyến khích lao động có trình độ
cao. Đồng thời, cần nghiên cứu giảm thuế cho một số ngành nghề đặc thù để
thu hút nguồn nhân lực chất lượng.
"Bên cạnh đó, chính sách xác định người phụ thuộc cũng đang gặp nhiều vấn
đề. Theo luật hiện hành, người phụ thuộc có thu nhập trên 1 triệu đồng/tháng
sẽ không được giảm trừ. Điều này không hợp lý khi mức sống ngày càng tăng,
chi phí sinh hoạt ngày càng cao", bà Nguyễn Thị Cúc nói.
Nên điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh và giãn khoảng cách bậc thuế
Trước những bất cập trên, các chuyên gia đề xuất một số giải pháp về cải
cách thuế TNCN.
Theo PGS.TS Lê Xuân Trường: Cần tăng mức giảm trừ gia cảnh, mức này nên được
điều chỉnh theo tốc độ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo mức sống cơ bản cho
người lao động. Ông đề xuất: "Mức giảm trừ gia cảnh có thể nâng lên tương
đương 1,5 lần GDP bình quân đầu người, giúp người lao động có thu nhập thực
tế cao hơn" - PGS.TS Lê Xuân Trường nói.
|
Bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (nguyên
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế) phát biểu tại Hội thảo
|
Còn chuyên gia về thuế Nguyễn Thị Cúc cho rằng: Giãn khoảng cách giữa các
bậc thuế: Hiện nay, thuế suất cao nhất lên đến 35%, tạo gánh nặng tài
chính lớn cho người có thu nhập cao. Bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng: Nên bỏ
thuế suất 35% và giãn khoảng cách bậc thuế để giảm áp lực thuế, tạo sự
công bằng hơn giữa các nhóm thu nhập".
"Nên xem xét lại quy định về người phụ thuộc, vì việc xác định người phụ
thuộc chỉ dựa vào mức thu nhập 1 triệu đồng/tháng là chưa hợp lý. Cần có
chính sách linh hoạt hơn để đảm bảo công bằng trong việc tính thuế", bà
Nguyễn Thị Cúc góp ý.
Ngoài điều chỉnh mức thuế và giảm trừ gia cảnh, bà Nguyễn Thị Cúc cho
rằng: Việc minh bạch hóa và hiện đại hóa quản lý thuế cũng rất quan trọng.
"Việc thu thuế TNCN theo tháng nhưng quyết toán vào cuối năm cũng gây
nhiều bất cập. Cần nghiên cứu phương thức thu hợp lý hơn để không gây
thiệt thòi cho người lao động", bà Nguyễn Thị Cúc nói.
PGS.TS Phan Hữu Nghị nhấn mạnh: khuyến nghị rằng, xu hướng cải cách thuế
TNCN của các nước hiện nay đều tập trung vào mục tiêu chính: thứ nhất là
giảm gánh nặng thuế cho người lao động, những người sống chủ yếu bằng tiền
lương, tiền công, tiền thù lao; thứ hai là tăng cường công bằng thuế đặc
biệt cần tạo công bằng dọc; thứ ba là mở rộng cơ sở thuế thích ứng với sự
thay đổi của nền kinh tế số và toàn cầu hóa. Do vậy, việc cải tiến phương
thức khai thuế, ứng dụng công nghệ để đồng bộ dữ liệu thu nhập và xây dựng
hệ thống hoàn thuế minh bạch là những giải pháp cần thiết để đảm bảo công
bằng trong thuế TNCN, giúp tăng hiệu quả thu ngân sách mà không tạo ra
gánh nặng không đáng có đối với người lao động.
"Cần ứng dụng công nghệ vào quản lý thuế, đồng bộ dữ liệu thu nhập để hạn
chế trốn thuế và đảm bảo công bằng cho người nộp thuế", PGS.TS Phạn Hữu
Nghị phát biểu.
Nhằm thực hiện chiến lược cải cách thuế đến năm 2030, ngày 23/4/2022,
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 508/QĐ-TTg về việc phê
duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.
Với các định hướng chính: Cần rà soát và mở rộng đối tượng chịu thuế,
đảm bảo phù hợp với xu hướng kinh tế số. Cần điều chỉnh mức thuế suất
hợp lý, giảm gánh nặng thuế cho người lao động. Cần xây dựng hệ thống
quản lý thuế hiện đại, tăng cường minh bạch và hiệu quả thu ngân sách.
Việc sửa đổi Luật Thuế TNCN là cần thiết để đảm bảo công bằng xã hội,
tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời góp
phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thông tin khác
Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn
Nguồn:
https://baochinhphu.vn/cai-cach-thue-thu-nhap-ca-nhan-huong-toi-thong-le-va-sat-thuc-te-102250314174108366.htm