Thiết kế xây dựng gồm những gì?

2024/05/22

NgànhThiếtkế

Thiết kế xây dựng (Construction design) là sự triển khai sáng tạo các công trình xây dựng dựa trên một mục đích cụ thể. Việc thiết kế xây dựng giúp cho các ý tưởng, ước muốn trở thành hiện thực, góp phần tạo nên một tổng thể kiến trúc đẹp cho cuộc sống trọn vẹn, đầy đủ.

1. Thiết kế xây dựng gồm những gì?

Căn cứ quy định tại Điều 78 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi Khoản 23 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 thì thiết kế xây dựng gồm:
  1. Thiết kế sơ bộ trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng;
  2. Thiết kế cơ sở trong Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc thiết kế bản vẽ thi công trong Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng;
  3. Các thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở bao gồm thiết kế kỹ thuật tổng thể (Front - End Engineering Design, sau đây gọi là thiết kế FEED), thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và các thiết kế khác (nếu có) theo thông lệ quốc tế.
Thiết kế xây dựng được thực hiện theo trình tự một bước hoặc nhiều bước như sau:
  • Thiết kế một bước là thiết kế bản vẽ thi công;
  • Thiết kế hai bước bao gồm thiết kế cơ sở và thiết kế bản vẽ thi công;
  • Thiết kế ba bước bao gồm thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công;
  • Thiết kế nhiều bước theo thông lệ quốc tế.
Người quyết định đầu tư quyết định số bước thiết kế xây dựng khi phê duyệt dự án, quyết định đầu tư xây dựng.
Hồ sơ thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở bao gồm thuyết minh thiết kế, bản vẽ thiết kế, tài liệu khảo sát xây dựng liên quan, dự toán xây dựng và chỉ dẫn kỹ thuật (nếu có) theo yêu cầu của chủ đầu tư.
Thiết kế bản vẽ thi công do tổ chức tư vấn thiết kế hoặc nhà thầu thi công xây dựng lập cho toàn bộ công trình hoặc từng hạng mục công trình hoặc từng giai đoạn thi công công trình theo yêu cầu của chủ đầu tư.

2. Yêu cầu đối với thiết kế xây dựng

Thiết kế xây dựng phải tuân thủ các yêu cầu quy định tại Điều 79 Luật Xây dựng 2014, cụ thể như sau:
  • Đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ thiết kế; phù hợp với nội dung dự án đầu tư xây dựng được duyệt, quy hoạch xây dựng, cảnh quan kiến trúc, điều kiện tự nhiên, văn hóa - xã hội tại khu vực xây dựng.
  • Nội dung thiết kế xây dựng công trình phải đáp ứng yêu cầu của từng bước thiết kế.
  • Tuân thủ tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật, quy định của pháp luật về sử dụng vật liệu xây dựng, đáp ứng yêu cầu về công năng sử dụng, công nghệ áp dụng (nếu có); bảo đảm an toàn chịu lực, an toàn trong sử dụng, mỹ quan, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống cháy, nổ và điều kiện an toàn khác.
  • Có giải pháp thiết kế phù hợp và chi phí xây dựng hợp lý; bảo đảm đồng bộ trong từng công trình và với các công trình liên quan; bảo đảm điều kiện về tiện nghi, vệ sinh, sức khỏe cho người sử dụng; tạo điều kiện cho người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em sử dụng công trình. Khai thác lợi thế và hạn chế tác động bất lợi của điều kiện tự nhiên; ưu tiên sử dụng vật liệu tại chỗ, vật liệu thân thiện với môi trường.
  • Thiết kế xây dựng phải được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật xây dựng 2014 (sửa đổi 2020), trừ trường hợp thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ.
  • Nhà thầu thiết kế xây dựng phải có đủ điều kiện năng lực phù hợp với loại, cấp công trình và công việc do mình thực hiện.
  • Thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ được quy định như sau:
    • Thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ phải tuân thủ tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật, quy định của pháp luật về sử dụng vật liệu xây dựng, đáp ứng yêu cầu về công năng sử dụng, công nghệ áp dụng (nếu có); bảo đảm an toàn chịu lực, an toàn trong sử dụng, mỹ quan, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống cháy, nổ và điều kiện an toàn khác.
    • Hộ gia đình được tự thiết kế nhà ở riêng lẻ có tổng diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250 m2 hoặc dưới 3 tầng hoặc có chiều cao dưới 12 mét, phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng thiết kế, tác động của công trình xây dựng đến môi trường và an toàn của các công trình lân cận.

3. Nội dung thiết kế xây dựng công trình

Chắc hẳn bạn đã từng suy nghĩ, khi thuê một đơn vị tư vấn thiết kế thì những công việc chính mà họ làm bao gồm những gì. Sau đây sẽ là những nội dung chủ yếu mà thiết kế xây dựng sẽ phải làm khi nhận tư vấn thiết kế.

3.1 Phương án công nghệ

Nhà tư vấn thiết kế xây dựng sẽ phải đưa ra giải pháp sử dụng những công nghệ khi nhận dự án. Tùy theo công trình mà bạn muốn xây dựng để chọn công nghệ phù hợp, mỗi công trình sẽ phải sử dụng công nghệ khác nhau. Nhà tư vấn thiết kế sẽ đưa ra những phương án phù hợp nhất cho từng đối tượng khách hàng lựa chọn

3.2 Nhu cầu sử dụng

Tùy thuộc vào nhu cầu xây dựng của từng khách hàng để nhà tư vấn thiết kế lựa chọn phương án tốt nhất. Ví dụ đối với những người xây nhà để ở sẽ thiết kế khác với những người thiết kế nhà để cho thuê. Người tư vấn thiết kế thi công sẽ phải nắm bắt rõ nhu cầu của khách hàng để từ đó đưa ra được thiết kế phù hợp nhất.

3.3 Phương án kiến trúc

Khi xây dựng một công trình nào đó, sẽ có rất nhiều phương án kiến trúc khác nhau, ví dụ như kiến trúc cổ điển, kiến trúc tân cổ điển, kiến trúc hiện đại...và người tư vấn thiết kế sẽ có trách nhiệm đưa ra phương án tốt nhất và phù hợp nhất cho bạn.
Nhà tư vấn thiết kế nhà sẽ giúp bạn đưa ra phương án để khi xây nhà, với cùng một diện tích như nhau nhưng sẽ có nhiều phương án khác nhau, bản vẽ này có thể làm cho ngôi nhà rộng rãi hơn, bản vẽ kia lại thiết kế ngôi nhà theo kiểu nhỏ gọn và ấm áp hơn. Tùy vào nhu cầu và sở thích của từng đối tượng khác nhau nhà tư vấn thiết kế sẽ giúp bạn có được công trình xây dựng như mong muốn.

3.4 Phương án kết cấu

Người tư vấn thiết kế xây dựng cũng sẽ đưa ra phương án kết cấu phù hợp cho công trình của bạn. Kết cấu xây dựng sẽ bao gồm việc tính toán các lực đỡ, nội lực và biến dạng do tác động của ngoại lực lên một hệ chịu lực của công trình xây dựng và nó là cơ sở cho việc thiết kế công trình trong trạng thái giới hạn độ bền và trạng thái giới hạn sử dụng. 

3.5 Phương án phòng chống cháy nổ

Như các bạn đã biết, gần đây các vụ cháy nổ lớn thường xảy mà nguyên nhân chính là do chập điện, rò rỉ điện. Vì vậy người thiết kế xây dựng sẽ tư vấn cho người sử dụng những phương án tốt nhất trong việc phòng chống cháy nổ cũng như cần phải trang bị bình cứu hỏa hay sử dụng vật liệu nào trong xây dựng để khó bắt lửa...

3.6 Phương án sử dụng năng lượng đạt hiệu suất cao

Ngày nay sử dụng năng lượng thiên nhiên đang là xu hướng trong xây dựng nhiều công trình. Các năng lượng thiên nhiên nhiên như năng lượng mặt trời, gió, nước.. không những đảm bảo được an toàn mà còn giúp tiết kiệm điện năng, tiết kiệm chi phí sử dụng.

3.7 Giải pháp bảo vệ môi trường

Trái đất ngày càng ô nhiễm và môi trường sống của chúng ta ngày càng bị hủy hoại. Vì vậy ngày nay trong xây dựng cũng sẽ có các giải pháp giúp bảo vệ môi trường. Đó là sử dụng các vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường hay còn gọi là xây dựng xanh nhằm hướng đến một công trình đạt được hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng và vật liệu, đồng thời hạn chế tác động xấu đến môi trường. 

3.8 Tổng dự toán, dự toán chi phí xây dựng phù hợp

Dự toán là sự ước lượng để lập bảng dự toán cho từng công trình trong dự án theo khối lượng của hồ sơ thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, đơn giá và định mức tương ứng. Đây là căn cứ để lập kế hoạch và quản lý quá trình xây dựng công trình. Nhà tư vấn thiết kế sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quát nhất để từ đó có thể theo dõi tiến độ công việc cũng như những chi phí cần thiết cho việc xây dựng.
Nguồn:
  • https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/thoi-su-phap-luat/tu-van-phap-luat/50298/thiet-ke-xay-dung-gom-nhung-gi
  • https://luatminhkhue.vn/khai-niem-thiet-ke-xay-dung-la-gi-cac-buoc-thiet-ke-xay-dung.aspx

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ