Bị cưỡng chế hóa đơn là gì? Cách xử lý hóa đơn bị cưỡng chế

2024/07/30

ThuếLuậtHóađơn

I. Cưỡng chế hóa đơn là gì?



Cưỡng chế hóa đơn là một trong những biện pháp được Tổng cục Thuế áp dụng với tổ chức, doanh nghiệp nhằm xử lý tình trạng nợ thuế có khả năng thu hồi đã được Quốc Hội quy định rất rõ trong Luật Quản lý thuế.
Theo Thông tư số 215/2013/TT-BTC hướng dẫn về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, Bộ Tài chính đã quy định rõ các biện pháp cưỡng chế thuế về trường hợp nợ thuế, trong đó có cả cưỡng chế về hóa đơn.
Theo Điều 3 Thông tư 215/2013/TT-BTC đã quy định: “Thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, tức là sẽ tiến hành cưỡng chế hóa đơn”.

II. Các trường hợp doanh nghiệp bị cưỡng chế hóa đơn

Việc doanh nghiệp bị đóng mã số thuế, bị cưỡng chế có thể do một số lý do như sau: chuyển địa điểm kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan thuế; không hoạt động tại trụ sở đăng ký kinh doanh; quá thời hạn nộp tờ khai và nộp tiền thuế sau 3 lần cơ quan thuế gửi thông báo không thấy phản hồi…

➤ Các trường hợp bị cưỡng chế hóa đơn (theo Điều 2 Thông tư 215/2013/TT-BTC)

  • Người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế nếu vượt quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp tiền thuế, hết thời hạn gia hạn nộp thuế;
  • Người nộp thuế còn nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuế có các hành vi bỏ trốn, tẩu tán tài sản;
  • Người nộp thuế không chấp hành theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế trong thời hạn 10 ngày hoặc trường hợp thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế. Trừ trường hợp được hoãn hoặc tạm đình chỉ thời gian thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế.

➤ Cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng (theo Điều 13 Thông tư 215/2013/TT-BTC)

  • Đối tượng bị cưỡng chế không áp dụng được các biện pháp cưỡng chế từ việc trích tiền từ tài khoản của đối tượng tại kho bạc nhà nước, các tổ chức tín dụng, yêu cầu phong tỏa tài khoản; khấu trừ một phần tiền lương, phần thu nhập đối với cá nhân hoặc trường hợp đã áp dụng các biện pháp này nhưng vẫn không thu đủ phần tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước thì sẽ cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng.

➤ Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp tại Điều 22 Thông tư 39/2014/TT-BTC

  • Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp là việc sử dụng hóa đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng hoặc là hết giá trị sử dụng. Trong đó:Hóa đơn giả là hóa đơn được khởi tạo theo mẫu hóa đơn đã được phát hành của một tổ chức, cá nhân khác hoặc là khởi tạo trùng số của cùng một ký hiệu hóa đơn;
  • Hóa đơn chưa có giá trị sử dụng là những hóa đơn đã được tạo nhưng chưa hoàn thành việc thông báo phát hành hóa đơn với cơ quan thuế quản lý;
  • Hóa đơn hết giá trị sử dụng là hóa đơn đã tiến hành làm đủ thủ tục phát hành nhưng tổ chức, cá nhân phát hành thông báo không còn tiếp tục sử dụng nữa; hóa đơn của các tổ chức, cá nhân đã ngừng sử dụng mã số thuế (hay gọi là đóng mã số thuế).

➤ Theo Điều 16 Nghị định 123/2020/NĐ-CP về việc ngừng sử dụng hóa đơn điện tử

  • Tổ chức; doanh nghiệp; hộ, cá nhân kinh doanh ngừng sử dụng hóa đơn điện tử có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế khi:Mã số thuế hết hiệu lực;
  • Thuộc trường hợp khi cơ quan thuế làm việc xác minh và thông báo người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh;
  • Tổ chức; doanh nghiệp; hộ, cá nhân kinh doanh có thông báo của cơ quan thuế về việc ngừng sử dụng hóa đơn điện tử để thực hiện việc cưỡng chế tiền nợ thuế.

III. Mức xử phạt sử dụng hóa đơn bất hợp pháp

Xử phạt đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn theo Điều 28 Nghị định 125/2020/NĐ-CP:Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn theo quy định tại Điều 4 của Nghị định này. Trừ những trường hợp:
  • Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán vào giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào dẫn đến giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế sẽ được miễn, giảm nhưng khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra phát hiện thì người mua chứng minh được lỗi vi phạm sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp này thuộc về bên bán hàng, đồng thời, người mua cũng đã hạch toán kế toán đầy đủ theo quy định;
  • Sử dụng hóa đơn không hợp pháp hoặc sử dụng không hợp pháp hóa đơn để kê khai thuế, làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, được miễn giảm.Biện pháp khắc phục: Buộc phải hủy hóa đơn đã sử dụng.

IV. Hướng dẫn về cưỡng chế hóa đơn

Theo Công văn 410/TCT-KK về việc xử lý vướng mắc trong xử lý hóa đơn bất hợp pháp

➧ Các biện pháp khắc phục đối với hóa đơn sử dụng trong thời gian cơ quan thuế thi hành các biện pháp cưỡng chế nợ thuế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng:Trường hợp người nộp thuế sử dụng hóa đơn trong thời gian cơ quan thuế ban hành Quyết định cưỡng chế nợ thuế bằng hình thức thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng là hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Theo đó
  • Cơ quan thuế sẽ thực hiện truy thu số thuế phát sinh (nếu có) từ việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp;
  • Các hóa đơn nêu trên không có giá trị sử dụng. Do đó, đơn vị bán hàng và mua hàng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp;
  • Đơn vị mua hàng không được kê khai khấu trừ tiền thuế GTGT và không được tính là chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN;
  • Bên bán hàng và bên mua hàng phải tiến hành hủy các hóa đơn đã lập sai quy định.Sau khi quyết định cưỡng chế hết hiệu lực thi hành hoặc bị bãi bỏ, qua xác minh, cơ quan thuế xác định thực tế có phát sinh hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ thì cơ quan thuế sẽ hướng dẫn đơn vị bán hàng xuất hoá đơn. Căn cứ vào các hóa đơn này, đơn vị bán hàng, mua hàng của công ty sẽ thực hiện kê khai thuế theo quy định;
➧ Về việc kê khai, tính thuế trong thời gian thi hành cưỡng chế hóa đơn:
Trường hợp trong thời gian cơ quan thuế thi hành quyết định cưỡng chế nợ thuế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng không thuộc trường hợp không phải khai thuế, tính thuế quy định tại Khoản c Điều 10 Thông tư số 156/2013/TT-BCT ban hành ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính nên doanh nghiệp vẫn phải kê khai thuế theo quy định.

Theo Khoản 2 Điều 13 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về cấp và kê khai xác định nghĩa vụ thuế khi cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử có mã số thuế theo từng lần phát sinh; Công văn số 4118/TCT-QLN ngày 23/10/2018 của Tổng cục Thuế; Công văn số 5936/TCT-QLN ngày 21/12/2016 của Tổng cục Thuế về việc sử dụng hóa đơn bán lẻ hướng dẫn:

  • Trường hợp đang áp dụng thi hành biện pháp cưỡng chế hóa đơn không có giá trị sử dụng nhưng nếu người nộp thuế thuộc trường hợp được cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh thì người nộp thuế có văn bản đề nghị cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo mẫu số 06/NĐ-PSĐT phụ lục IA theo từng lần phát sinh cho từng lô hàng, hạng mục công trình hoàn thành để có nguồn thanh toán tiền lương cho công nhân, thanh toán các khoản chi phí nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh được duy trì liên tục thì Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ thực hiện tiếp tục cho người nộp thuế sử dụng từng hóa đơn bán lẻ với điều kiện là người nộp thuế làm văn bản cam kết thực hiện nộp ngay 18% doanh thu trên hóa đơn lẻ được sử dụng vào ngân sách nhà nước;
  • Công văn hướng dẫn trên không phân biệt là bán tài sản hay dịch vụ nào thì được sử dụng hoặc không được sử dụng hóa đơn bán lẻ, song chỉ áp dụng cho các đơn vị nhằm đảm bảo sản xuất kinh doanh được liên tục;
  • Đối với các đơn vị đã ngừng sản xuất kinh doanh, muốn bán tài sản thì Cục Thuế sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể để áp dụng biện pháp xử lý cho phù hợp, tránh trường hợp tẩu tán tài sản.

V. Một số câu hỏi thường gặp về cưỡng chế hóa đơn

1. Khi bị đóng mã số thuế có được xuất hóa đơn hay không?

Trong thời gian doanh nghiệp bị đóng mã số thuế, cưỡng chế hóa đơn mà xuất hóa đơn thì đó là hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Do đó, không được xuất hóa đơn trong thời gian đóng mã số thuế.

2. Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp thì sẽ bị phạt như thế nào?

Mức phạt đối với hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp là từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng và buộc phải hủy những hóa đơn đó.
Nguồn: https://ketoananpha.vn/cuong-che-hoa-don.html

Tìm kiếm Blog này

AGS Accounting会社紹介(JP)

Translate

Lưu trữ Blog

QooQ