Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân: Nhu cầu cấp thiết để bảo vệ dữ liệu cá nhân ở Việt Nam

Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, bảo vệ dữ liệu cá nhân trở thành vấn đề quan trọng trên toàn cầu, và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Hàng ngày, vô số thông tin cá nhân như tên, địa chỉ, số điện thoại, thông tin tài chính được thu thập, lưu trữ và xử lý, nhưng không phải lúc nào việc bảo vệ chúng cũng được đảm bảo đầy đủ. Điều này khiến người dân lo ngại về việc xâm phạm quyền riêng tư.
Vì vậy, việc xây dựng Luật Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân tại Việt Nam là cấp thiết. Khi đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ số, một khung pháp lý rõ ràng không chỉ bảo vệ quyền lợi người dân mà còn giúp xây dựng môi trường số an toàn và minh bạch.
Bài viết này của AGS sẽ giải thích lý do tại sao việc ban hành luật này là cần thiết và vì sao Việt Nam cần một hệ thống pháp lý mạnh mẽ để bảo vệ quyền riêng tư trong thời đại số.

I. Thực trạng bảo vệ dữ liệu cá nhân ở Việt Nam

Theo báo cáo của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA), trong năm 2024, thiệt hại từ các vụ lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam ước tính lên đến 18.900 tỷ đồng. Khảo sát của NCA cũng cho thấy, cứ 220 người dùng điện thoại thông minh thì có 1 người là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến. Các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi, từ việc giả mạo ngân hàng, sàn thương mại điện tử hoặc đầu tư tài chính, đến việc sử dụng công nghệ deepfake để lừa đảo qua cuộc gọi video. Nhiều người dân đã mất hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng vì tin tưởng vào những chiêu trò này.

Trong báo cáo về tình hình nguy cơ an toàn thông tin tại Việt Nam năm 2024, do Công ty An ninh mạng Viettel - thành viên của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) mới công bố, tình trạng rò rỉ dữ liệu cá nhân và doanh nghiệp gia tăng mạnh với 14,5 triệu tài khoản bị lộ, chiếm 12% tổng số vụ trên toàn cầu. Nhiều thông tin cá nhân, tài liệu doanh nghiệp đã bị rao bán công khai trên các nền tảng trực tuyến.
personal data
Số lượng các cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) tăng đáng kể với hơn 924.000 vụ được ghi nhận, tăng 34% so với năm trước. Đặc biệt, một số cuộc tấn công vượt mốc 1 Tbps, nhắm vào các tổ chức trong lĩnh vực tài chính, dịch vụ công và công nghệ, gây gián đoạn nghiêm trọng cho hệ thống vận hành.

Cũng trong báo cáo này cho thấy, năm 2024, có gần 40.000 lỗ hổng bảo mật mới được phát hiện, tăng 46% so với năm 2023, trong đó 47% là các lỗ hổng có mức độ 'Cao' và 'Nghiêm trọng'. Các lỗ hổng này chủ yếu tập trung vào các hệ thống phổ biến như VPN, máy chủ web và phần mềm quản trị. Đặc biệt, các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, năng lượng và công nghệ là mục tiêu thường xuyên bị khai thác.

Thời gian qua, cơ quan quản lý cùng các chuyên gia về lĩnh vực an toàn thông tin cũng liên tục cảnh báo tình trạng rò rỉ, mua bán dữ liệu cá nhân trên mạng đang diễn ra ngày càng phổ biến. Điều này cũng cho thấy, việc ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam đang trở nên cấp thiết, phản ánh nhu cầu ngày càng cao về bảo vệ quyền lợi của người dân trong bối cảnh số hóa và sự gia tăng sử dụng công nghệ thông tin.

II. Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân: Nhu cầu cấp thiết để bảo vệ dữ liệu cá nhân ở Việt Nam

Bộ Công an cho biết, dữ liệu cá nhân là vấn đề liên quan chặt chẽ tới quyền con người, quyền công dân, an toàn, an ninh mạng, an ninh thông tin, an ninh dữ liệu, công nghệ thông tin và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chính phủ điện tử, chính phủ số, kinh tế số.

Thời gian gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo vấn đề này, theo hướng bảo đảm an ninh mạng lấy con người, trí tuệ con người làm trung tâm, là nhân tố quyết định, hoàn thiện hành lang pháp lý trong bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Theo thống kê của Bộ Công an, có tổng số 69 văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam. Mặc dù có tới 69 văn bản nhưng tất cả đều chưa thống nhất về khái niệm và nội hàm dữ liệu cá nhân, bảo vệ dữ liệu cá nhân, chỉ có Nghị định số 13/2023/NĐ-CP đưa ra định nghĩa về dữ liệu cá nhân và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, đây mới chỉ là văn bản Nghị định, chưa phải văn bản Luật nên cần thống nhất thực hiện trong thực tiễn, cần có văn bản Luật làm "luật gốc", mang tính nguyên tắc, góp phần tiếp tục thể chế hóa quy định của Hiến pháp để các quy phạm khác tuân thủ, phát triển.

Bộ Công an cũng cho biết, hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp sử dụng dữ liệu cá nhân vào mục đích kinh doanh, phát triển kinh tế, tạo giá trị cho xã hội nhưng cũng xuất hiện nhiều vụ lộ, mất, bị tấn công, chiếm đoạt, sự cố liên quan tới dữ liệu cá nhân. Dữ liệu cá nhân được chuyển giao trong hoạt động kinh doanh chưa đúng mục đích hoặc cố tình cài thêm các mục đích để buộc người sử dụng phải đồng ý nếu muốn sử dụng dịch vụ, sản phẩm do mình cung cấp.

Do đó, việc quy định cụ thể các hoạt động kinh doanh liên quan tới dữ liệu cá nhân là vô cùng cấp bách và cần thiết, tập trung điều chỉnh về năng lực xử lý dữ liệu cá nhân, năng lực và điều kiện bảo vệ dữ liệu cá nhân, áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan.
security
Với quan điểm bảo vệ để phát triển, những vấn đề trên cần được quy định cụ thể vào trong Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo đảm dữ liệu cá nhân được sử dụng vào hoạt động kinh doanh khi bảo đảm đúng quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Bên cạnh đó, tình trạng lộ dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trên không gian mạng. Người sử dụng chưa có ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân, đăng tải công khai hoặc lộ trong quá trình chuyển giao, lưu trữ, trao đổi phục vụ hoạt động kinh doanh hoặc do biện pháp bảo vệ không tương xứng dẫn tới bị chiếm đoạt và đăng tải công khai.

Việc mua bán dữ liệu cá nhân hiện cũng đang diễn ra phổ biến, công khai, với các dữ liệu thô và dữ liệu cá nhân đã qua xử lý. Nhiều dữ liệu bị rao bán công khai, trong thời gian dài, với số lượng lớn trên không gian mạng...

Do vậy, việc ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là hết sức cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền dữ liệu cá nhân; ngăn chặn các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Đồng thời, việc xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân của nước ta, tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân, nâng cao năng lực bảo vệ dữ liệu cá nhân cho các tổ chức, cá nhân trong nước tiếp cận trình độ quốc tế, khu vực; đẩy mạnh sử dụng dữ liệu cá nhân đúng pháp luật phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Công ty AGS cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc bài viết này. Hy vọng bạn đã có được những thông tin bổ ích. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều thông tin cũng như cơ hội việc làm tại AGS nhé.

Thông tin khác

Thông tin tuyển dụng và hướng dẫn

Nguồn:
https://baochinhphu.vn/hoan-thien-hang-lang-phap-ly-nang-cao-nang-luc-bao-ve-du-lieu-ca-nhan-102240926111856533.htm
https://kinhtedothi.vn/luat-bao-ve-du-lieu-ca-nhan-dam-bao-quyen-rieng-tu-trong-thoi-dai-so.663251.html
https://tapchicongthuong.vn/khung-phap-ly-ve-bao-ve-du-lieu-ca-nhan-trong-boi-canh-xay-dung-chinh-phu-so-tai-viet-nam-139344.htm
https://lsvn.vn/phap-luat-ve-bao-ve-du-lieu-ca-nhan-o-viet-nam-nhung-khoang-trong-va-huong-hoan-thien-a156811.html
Next Post Previous Post